Việt Nam phong tục: Ngày xưa, vợ lẽ thường phải chịu đựng những gì?

B.T sưu tầm, sách Việt Nam Phong tục |

Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nưng khăn, nào là bắt cơm dưng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt, bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá thì không sao, vợ xỉnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

VỢ CHỒNG (tiếp)

Cái đạo vợ chồng, cũng là một mối cương thường rất hệ trọng trong ngũ luân. Ở với nhau mà biết thương yêu nhau, quý trọng nhau, thì rất là phải đạo lắm. Nhưng tục ta trọng nam khinh nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh.

Sao vậy? Tạo hóa sinh ra có giai thì phải có gái, có người coi việc ngoài thì phải có người coi việc trong, người cứng gân khỏe thịt thì phải làm việc nặng nề, người yếu chân mềm tay thì đã có việc nhẹ nhàng, chẳng qua cũng là giúp lẫn nhau thì mới được công này việc nọ, chớ thiếu một bề nào cũng không được, vậy thì công việc của đàn bà có kém gì công việc của đàn ông đâu?

Vả lại giời sinh ra người đàn bà, cái màu hoa bóng bẩy kia, có thể vui vẻ cho ta những khi bực dọc; cái giọng oanh thỏ thẻ kia, có thể khuây giải cho ta những lúc buồn rầu. Lúc ruột gan ta nóng nảy bồn chồn nhờ có đôi mắt thu ba làm cho ta được dịu êm mát mẻ, khi tinh thần ta lo nghĩ mỏi mệt, nhờ có hai vừng đào kiểm làm cho ta được khoan khoái thư nhàn. Vậy thì chẳng những là nên thương cái phận người yếu đuối, mà lại nên kính nên trọng nữa.

Cho nên cứ lấy đạo công bình mà nói thì đáng lẽ quý đàn bà hơn đàn ông mới phải, chớ nên cậy mình khỏe mạnh mà khinh bỉ đàn bà, mà ức chế đàn bà. Tục ngữ Âu châu có câu rằng: "On ne doit pas battre les femmes même avec des fleurs", nghĩa là dẫu cái hoa cũng không nên dùng mà đánh đàn bà. Câu ấy gẫm ra có lý thú lắm.

Việt Nam phong tục: Ngày xưa, vợ lẽ thường phải chịu đựng những gì? - Ảnh 2.

Hình minh họa. Nguồn: Kienthuc

Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nưng khăn, nào là bắt cơm dưng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt, bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá thì không sao, vợ xỉnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi, chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ động đi đâu một lúc đã sinh ra ngờ vực, ấy là điều trái với đạo công bằng.

Tục ta buộc cho đàn bà một chữ trinh mới lại nghiệt nữa. Đã đành rằng trinh tiết là một nết rất quý ở Á Đông ta, không có thể sao bỏ được, nhưng chữ trinh với chồng cốt ở trong bụng, chứ giữ gìn từng tí thì tựa như đàn ông quá khắc.

Tục Âu châu, vợ chồng thủ tín với nhau thì thôi, ngoài ra dẫu dắt tay nhảy đầm với kẻ khác cũng chẳng sao, dẫu ngồi tiếp chuyện với khách, bắt tay với khách cũng chẳng sao. Ta thì kỹ kiêng quá: nào ngồi nói chuyện với đàn ông cũng kiêng, đụng tay vào đàn ông cũng kiêng, đến cả vợ chồng đi với nhau ở ngoài đường cũng kiêng nốt.

Sao mà kỹ kiêng quá thế? Mà người đàn bà đã hư, dẫu kiêng thế nào cũng hư, thì kiêng có ích gì đâu. Vả lại một bước không dám ra đến ngoài, một người lạ không dám đáp chuyện, thì sao cho rộng kiến văn mà giúp chồng nên việc lớn được? Đàn bà con gái nước ta, ít người tài trí anh hùng như các nước, cũng có lẽ vì câu nệ nghĩa chữ trinh quá nữa.

Việt Nam phong tục: Ngày xưa, vợ lẽ thường phải chịu đựng những gì? - Ảnh 3.

Hình minh họa. Nguồn: Vietbao

Đến như trong tội thất xuất, thì lại có mấy điều lạ lùng! Ừ, như tội dâm dật, cứ theo luân lý ta thì không thể nào thứ được. Tội bất hiếu, phạm vào đạo luân thường, tội trộm cắp, phạm phải thói gian phi, các tội ấy thì bỏ đi cũng còn có lẽ phải.

Còn như tội không có con, chẳng qua bởi khí huyết, hoặc bởi tại đâu, người đàn bà có làm sao được; lắm điều, ghen tuông, thì là thói thường của đàn bà, có không thể chịu được thì lựa lời uốn nắn dần dần cũng phải được, sao nỡ vì một lỗi nhỏ mà tuyệt tình ân nghĩa? Còn tội có ác tật là một sự bất hạnh của đàn bà, chớ nào ai muốn.

Nên phải hết lòng thuốc men cho người ta, nếu chữa không được mà sợ truyền nhiễm thì nên kiếm cách giữ gìn, chớ nỡ nào bỏ người ta cầu vơ cầu vất. Thế mà bỏ đi thì là quá khắc! Tưởng Thánh hiền đời xưa, chắc có vì một cớ riêng gì nữa chăng?

Tuy vậy, có tội thất xuất, lại có ba điều bất khả xuất thì lại là một lòng rất trung hậu.

Nói tóm lại thì đàn ông chớ nên khinh bỉ đàn bà, chớ nên tranh hết quyền đàn bà, và chớ nên dùng cách áp chế mà ngược đãi đàn bà. Song nghĩa vụ của đàn ông đối với đàn bà thì như thế, mà nghĩa vụ của đàn bà đối với đàn ông thì cũng phải kính trọng chồng, phải một lòng một dạ mà lo công việc nhà chồng, phải giữ gìn cái danh trong sạch để đừng phụ tấm lòng thương yêu của chồng.

Chớ nên lấy nê rằng mình là người của chồng đáng quý đáng mến, mà mè nheo làm rầy chồng, hoặc say đắm đường ăn chơi, làm hại của nhà chồng hoặc mắng chó chửi mèo, nói chồng chẳng ra gì, thấy chồng yêu xỏ chân lỗ mũi, lại không trách chồng là phàm phu được.

Sách có chữ rằng: "Phu phụ tương kính như tân", nghĩa là vợ chồng kính trọng nhau như khách. Lại có câu rằng: "Phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành", nghĩa là vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo. Hai câu ấy đủ làm gương cho trong đạo vợ chồng.

VỢ LẼ

Phận lấy lẽ

Người giàu có hoặc người hiếm hoi thường có vợ lẽ. Người chịu lấy lẽ là người: một là vì nghèo hèn, hai là vì sa cơ thất thế, ba là vì tham giàu, tham danh giá, bốn là vì tuổi trẻ góa chồng, chưa có con, phải bước đi bước nữa thì mới chịu lấy, chớ con nhà tử tế không mấy người chịu.

Lấy vợ lẽ không mấy người cưới xin như khi lấy vợ cả, chỉ dùng lễ cưới sơ sài, đưa ít tiền bạc và nộp cheo cho làng mà thôi. Người phú quý có khi lấy năm, lấy bảy vợ lẽ, mỗi người có riêng một dinh cơ, phận ai người nấy. Người bình thường vì hiếm hoi mà lấy, hoặc là vợ cả lấy cho, hoặc là tự mình lấy, nhưng cũng phải nói cho vợ cả bằng lòng mới được. Có khi vợ cả ghen tuông không cho lấy thì chồng lại lấy giấu mà để ở riêng một nơi.

Việt Nam phong tục: Ngày xưa, vợ lẽ thường phải chịu đựng những gì? - Ảnh 4.

Đối với chồng

Vợ lẽ đối với chồng thì trọng về sự nưng khăn sửa túi, hoặc người thì trọng về sự kế tự, chớ không có trách nhiệm đảm đang công việc nhà chồng như người vợ cả.

Khi nào người vợ cả hèn yếu, không cáng đáng nổi công kia việc nọ, thì cũng cậy về vợ lẽ nhiều.

Vợ lẽ ở với chồng, cũng nhiều người rất trọng hậu, hết lòng lo cho chồng, biết chiều chuộng chồng, biết phân trách nhiệm cho vợ cả. Có người chỉ cốt lấy chỗ nương nhờ, chẳng biết lo lắng cho nhà chồng một tí gì.

Đối với vợ cả

Vợ lẽ không có quyền bằng người vợ cả, phải phục tòng vợ cả như là chồng. Được người vợ cả có lượng khoan dong, thì coi vợ lẽ như chị em một nhà. Nếu phải người vợ cả cay nghiệt, thì sai bảo hành hạ như kẻ ăn người ở, vợ lẽ cũng phải chịu.

Nhiều khi vợ lẽ can cường, không chịu người vợ cả áp chế thì thường sinh ra sự cãi nhau. Đàn ông thì có người ở công bình, mà phần nhiều thì hay bênh vực vợ lẽ. Có khi vợ lẽ cậy được thế chồng yêu mà lăng ngược người vợ cả, có khi vợ lẽ cậy giàu có của, lo được cho chồng nên danh phận thì lại khinh bỉ vợ cả mà tranh lấy quyền trên.

Đối với con chồng

Con chồng gọi vợ lẽ của cha là dì ghẻ. Nếu mẹ mất rồi, phải nương nhờ dì ghẻ, thì người vợ lẽ ấy có quyền làm kế mẫu, coi được con chồng như con mình, thì con chồng cũng phải coi mình như mẹ đẻ. Nhưng ít được người hiền hậu, nhiều người không thương đến con chồng.

Tục vợ lẽ cũng là một tục trái với cách văn minh đời nay. Vì là làm cho loài người mất tự do, mất bình đẳng, thì là trái với đạo công bằng của tạo hóa, tức là không hợp cách văn minh. Vả lại vợ cả vợ lẽ, ít người biết lấy cách hòa thuận ở với nhau, còn phần nhiều thường hay ghen tuông nhau.

Người chồng cũng ít người khéo khu xử, mà cũng rất khó khu xử cho vừa lòng cả đôi bên. Có câu rằng: "Cai trăm quân không khó bằng cai bốn vó đàn bà". Vì thế trong nhà hay sinh ra lục đục, chồng ở giữa thật là khó nghĩ, bênh vợ cả thì vợ lẽ oán, bênh vực vợ lẽ thì vợ cả giận, thành ra gia đình giảm mất sự vui vẻ.

Mà lắm khi người vợ cả ác nghiệt, thì vại giấm chua cũng khá chê thay! Hoặc gặp phải người vợ lẽ tai ngược thì cũng khó chịu! Cầu lấy lớn ra phận lớn, nhỏ ra phận nhỏ, hồ dễ đã được mấy người.

Song cứ suy cái tình thế trong phong tục ta thì chưa có thể bỏ được. Ta trọng nhất là việc thừa tự, nếu người vợ cả không có con mà không lấy vợ lẽ thì không nghĩ đến việc thừa tự, tục cho là bất hiếu. Vả người nước ta, đàn bà thì nhiều mà lại lắm người nghèo khó vất vả. Có cái tục lấy vợ lẽ cũng giúp được cho nhiều người có chỗ nương nhờ.

Cứ như thế thì lấy vợ lẽ cũng là phải. Song thiết tưởng có người nên lấy, có người không nên lấy. Ai mà lượng cái sức mình có thể bao dong được vợ lẽ và đàn con của vợ lẽ hãy nên lấy, chớ lấy mà để cho người ta khổ sở và để cho đàn con nheo nhóc thì đừng. Ai mà tin cái tài mình có thể giữ được hòa mục trong gia đình hãy lấy, chớ lấy mà nay tiếng này mai tiếng khác, sinh ra tan cửa nát nhà thì đừng.

Mà lấy thì phải coi người ta là một người vợ khác của mình, chớ đừng coi là kẻ sai khiến của nhà mình, đừng để cho vợ lẽ đê tiện, mà cũng đừng để cho vợ cả mất lòng.

Sau nữa là cái đạo vợ lẽ ở với chồng, ở với vợ cả, cũng phải giữ hai chữ kính thuận mới được. Mình đã chẳng may sa cơ thất thế, phận hẩm duyên hôi, thân cát đằng đà phải nương đến bóng tùng quân thì đừng có nên cậy nhan sắc, cậy có con, cậy chồng yêu mà hoành hành với người vợ cả, dẫu ở chung ở riêng mặc lòng, phải cho trên thuận dưới hòa thì mới vui vẻ.

Người vợ cả ở với vợ lẽ, nên giữ lấy lượng bao dong, chớ đừng giữ thói ghen tuông mà mang tiếng nhỏ nhen làm bia cho miệng cười.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại