Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 trên 7%, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm

Minh Hằng |

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng quán triệt là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương, sáng 7/10. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương, sáng 7/10. Ảnh: VGP

Đây là một trong những thông tin quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương, vào sáng nay (7/10).

Tại phiên họp, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực và cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội (25,93%) và TP HCM (25,45%) đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách của cả nước; đồng thời sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tại của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh và Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả của cơn bão số 3…

Phân tích về tình hình trong và ngoài nước trong thời gian tới, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao độ, nỗ lực hết mình, đồng thời hành động quyết liệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu và nhiệm vụ của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là khoảng trên 7%

Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 trên 7%, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Phiên họp do Thủ tướng chủ trì. Ảnh: VGP

Về 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 – 8%.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và những chính sách vĩ mô khác; không điều hành "giật cục".

Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng và tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm khoảng 15%; kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Bộ Tài chính cũng phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí. Phấn đấu tăng thu cả năm vượt ít nhất 10% dự toán.

Ngoài ra, khai thác hiệu quả dư địa chính sách tài khoá; Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng quán triệt chính là đẩy nhanh tiến độ của các công trình, dự án quan trọng và trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư những dự án đường sắt quan trọng.

Theo yêu cầu của Thủ tướng: "Ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa liên vùng, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị".

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV năm 2024 còn rất nặng nề trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm qua các kết quả nổi bật trong tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tăng trưởng GDP quý III của nước ta ước đạt 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; dịch vụ tăng 6,95%. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian trên như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023, trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại