Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng': Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục

Vy Lam |

"Trong bối cảnh ‘những cơn gió ngược’ toàn cầu, vị thế ‘con cưng của FDI’ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nguyên vẹn" - DBS nhận định.

Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng: Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 1.

Dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Kinh tế Việt Nam sẽ ‘lội ngược dòng’

Gần đây, ông Paulo Medas - Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam đang có sự thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 sau khi xuất khẩu bắt đầu phục hồi và các chính sách hỗ trợ của chính phủ phát huy tác dụng.

"Tuy tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang có sự thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới" – IMF nhận định.

Tổ chức này đồng thời dự đoán, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,7% cho cả năm, lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng nhà nước. Trong trung hạn, sau khi các cải cách cơ cấu được tiến hành, kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao trở lại.

DBS – Ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore cũng đồng quan điểm này: "Tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đang chậm lại trong bối cảnh ‘những cơn gió ngược’ toàn cầu, tuy nhiên, vị thế ‘con cưng của FDI’ trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nguyên vẹn".

"Chúng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong quý 1/2023 đã chạm đáy nhưng sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023" – Báo cáo của DBS viết – "Bất chấp những ‘cơn gió ngược’ theo chu kỳ, FDI vẫn sẽ là một cơn gió mang cấu trúc rõ rệt trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu".

Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng: Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 2.

Theo DBS, vị thế ‘con cưng FDI’ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp những "cơn gió ngược".

Về dài hạn, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm tăng trưởng Đại học Harvard (Mỹ) nhận định, Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Uganda dự kiến sẽ là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong thập kỷ tới.

"Tại châu Á, một số nền kinh tế châu Á đã đạt tới cấp độ kinh tế cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, tính cho đến năm 2031. Dẫn đầu là Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ" – Các nhà nghiên cứu cho hay.

Thu hút FDI: Việt Nam nhảy vọt 95 bậc trong 34 năm

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 1989, lượng vốn FDI vào Việt Nam chỉ xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN và thứ 123/160 trên thế giới thì tính đến năm 2022, tức 34 năm sau, Việt Nam đã xếp thứ 3/10 trong khối ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Như vậy, nếu tính trên quy mô toàn thế giới thì Việt Nam đã nhảy vọt tới 95 bậc.

Bên cạnh đó, theo DBS, trong nửa đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam không hề suy giảm.

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang nắm giữ các "át chủ bài" thu hút các "đại bàng" FDI. Ví dụ, việc Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu là tín hiệu tích cực tăng cường cho môi trường đầu tư và kinh doanh vốn đã rất cởi mở và năng động đối với các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng: Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 3.

Hai dự án mới của Foxconn ở Quảng Ninh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam

Một minh chứng điển hình cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam là 2 dự án với tổng mức vốn lên tới 250 triệu USD (khoảng 5.800 tỷ đồng) của Tập đoàn Foxconn – hãng sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc).

Theo đó, tập đoàn này sẽ xây dựng 2 nhà máy mới ở tỉnh Quảng Ninh, trong đó có một nhà máy sản xuất linh kiện xe điện (EV) và một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử. Foxconn cũng đang có thêm kế hoạch thành lập thành lập nhà máy ở tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD.

Đối với Foxconn, cơ sở tại Việt Nam là địa điểm quan trọng trong dấu ấn toàn cầu của tập đoàn này.

FDI cực khủng từ ‘đại bàng’ Đông Á

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Tính riêng trong tháng 7/2023, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với 3,64 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc (2,34 tỷ USD) và Trung Quốc (2,33 tỷ USD).

Cuối tháng 6 vừa qua, đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc đã sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã trao đổi hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác.

Chi tiết các biên bản ghi nhớ này không được tiết lộ nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là cơ sở để hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Hàn Quốc bước vào thời kỳ "bùng nổ" những dự án hàng tỷ USD.

Việt Nam nhảy vọt 95 bậc thứ hạng toàn cầu, đón FDI khủng từ ‘đại bàng: Chuẩn bị cú lộn ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 4.

Hàn Quốc là một trong những "đại bàng" FDI đã rót lượng vốn khổng lồ vào Việt Nam.

Đáng nói, nếu tổng vốn FDI Hàn Quốc rót vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm mới đạt 1,2 tỷ USD thì sang đến tháng 7/2023, con số này đã lên tới 2,34 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỷ USD, vượt qua cả Nhật Bản và Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 vào Việt Nam trong 7 tháng.

Hàn Quốc là một trong những "đại bàng" FDI đã rót lượng vốn khổng lồ vào Việt Nam. Dữ liệu thống kê trước đó cho thấy, nếu như năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỷ USD thì chỉ sau đó 1 năm, mức này đã tăng gần gấp đôi, lên 6,1 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam.

Sau đó, từ năm 2015 – 2019, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng ổn định qua các năm.

Từ năm 2020-2022, do tác động của đại dịch COVID-19 và tình hình địa chính trị toàn cầu, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã giảm xuống 4,88 tỷ USD. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là đối tác tích cực đầu tư, góp vốn và mua cổ phần nhiều nhất ở Việt Nam (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần).

Đáng chú ý, nếu như trước đây các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa thì hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.

Với những diễn biến mới, số lượng và chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cải thiện đáng kể. Giới chuyên gia nhận định, triển vọng tăng vốn ngoại vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ khá cao, góp phần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại