Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong nửa đầu tháng 5, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 14,64 tỷ USD (giảm 8% so với nửa cuối tháng 4).
Nguyên nhân do xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực suy giảm như sắt thép các loại giảm gần 260 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm gần 220 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm khoảng 200 triệu USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 108 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ ngoái (tương đương thêm 19,2 tỷ USD).
Đáng chú ý, cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất đều có tăng trưởng dương gồm: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 5 đạt 17,3 tỷ USD (tăng 18% so với nửa cuối tháng 4). Điều này chủ yếu do nhập khẩu một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; vải các loại...
Như vậy, trong nửa đầu tháng 5, Việt Nam bất ngờ nhập siêu hơn 2,6 tỷ USD. Gần đây nhất Việt Nam nhập siêu là vào tháng 5/2022.
Tuy vậy, tính từ đầu năm đến 15/5, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 6,36 tỷ USD, thấp hơn một chút so con số 6,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với PV Tiền Phong , Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, theo ông Nghĩa có gặp chút áp lực trong bối cảnh tỷ giá VNĐ /USD tăng cao khiến các doanh nghiệp phải chi số tiền nhiều hơn để nhập khẩu sản phẩm.
"Hiện phía Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tăng lãi suất liên ngân hàng để kiềm chế tăng tỷ giá hối đoái, cùng đó bán ra 2,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối (trong dự trữ hơn 100 tỷ USD) để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, tình hình hiện tại không có vấn đề gì lớn", TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Theo các chuyên gia, việc nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp tăng cao là yếu tố sẽ tác động tăng nhu cầu USD của nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này sẽ giảm dần khi các doanh nghiệp kết thúc chu kỳ sản xuất chuyển sang giai đoạn bán hàng, lúc đó nguồn ngoại tệ có thể gia tăng từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ có thể còn được hỗ trợ vào cuối năm nhờ yếu tố kiều hối.