Ngày 27-9, tại hội thảo 20 năm thương mại hóa cây trồng công nghệ sinh học trên thế giới và thực trạng phát triển tại Việt Nam, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết tốc độ phát triển bắp biến đổi gen ở nước ta vẫn đang còn rất hạn chế.
Nguyên nhân việc phát triển bắp biến đổi gen ở Việt Nam còn hạn chế, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng đó là do giá hạt giống chưa hợp lý, nông dân chưa quen với việc sử dụng giống bắp biến đổi gen có mức giá cao hơn nhiều so với giá bắp lai F1 truyền thống.
Trong khi đó, giá bắp hạt thương phẩm lại đang ở mức thấp, chưa khuyến khích được nông dân mở rộng diện tích gieo trồng.
Theo ông Trần Xuân Định, trong cơ cấu sản xuất ở nước ta hiện nay có khoảng 50 giống bắp các loại, trong đó có 16 giống bắp biến đổi gen đã được Bộ NN&PTNT công nhận.
Các gen được chuyển gồm gen kháng sâu bọ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ) và gen kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate.
Tính đến ngày 20-8-2016, các công ty đã nhập khẩu 1.000 tấn hạt giống bắp biến đổi gen. Tuy nhiên, lượng hạt đã cung cấp ra ngoài thị trường chỉ ở mức 200 tấn, tương ứng với diện tích khoảng 100.000 ha, chiếm hơn 8% tổng diện tích trồng bắp cả nước.
Qua khảo nghiệm từ thực tế, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ cho biết bắp biến đổi gen có tiềm năng mang lại lợi ích về kinh tế và môi trường như hạn chế bớt lượng thuốc trừ sâu hại, sử dụng ít lao động hơn.
Tuy nhiên, bắp biến đổi gen chỉ thực sự phát huy hiệu quả ở một số vùng, vụ nhất định. Do đó, các công ty cần định hướng thị trường phù hợp để đảm bảo lợi ích cho người sản xuất.