Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4 ước tính đạt 17,50 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,90 tỷ USD, giảm 7,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,60 tỷ USD, giảm 7,2%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với tháng trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 4,4%; chất dẻo 10,6%; lúa mỳ 13,4%; điện tử, máy tính và linh kiện 18,9%; khí đốt hóa lỏng19,3%; xăng dầu 19,6%; cao su 23,9%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 tăng nhẹ 1,2%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 6,1%; khu vực có đầu tư nước ngoài giảm 1,8%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Kim loại thường khác tăng 41,2%; chất dẻo tăng 26%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,31 tỷ USD, tăng 9,3%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó điện thoại và linh kiện tăng 19,8%; vải tăng 5,6%.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 15,5 tỷ USD, tăng 7,6%; trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,5%; điện thoại và linh kiện tăng 13,7%.
ASEAN đạt 9,9 tỷ USD, tăng 14,5%; trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 22,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%; xăng dầu tăng 17,8%.
Nhật Bản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 16,1%; trong đó, linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 36%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,8%.
EU đạt 4 tỷ USD, tăng 9,7%; trong đó, chất dẻo nguyên liệu tăng 41,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 23,6%.
Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18%; trong đó, thức ăn gia súc và NPL tăng 28,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,3%.