Chiều 20/10 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với ông Masafumi Shukuri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế (IHRA).
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.545km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 60 tỉ USD và mong muốn hoàn thành trước năm 2050.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị dự án, gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là vấn đề lựa chọn phương án tốc độ khai thác, phương án khai thác chung cho cả hành khách và hàng hóa hoặc riêng hành khách và các phương án huy động tài chính.
Dự kiến dự án sẽ huy động từ 3 nguồn: vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA và huy động vốn các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn, Nhật Bản xem xét hỗ trợ Việt Nam trong triển khai dự án.
Chia sẻ về công nghệ đường sắt tốc độ cao, ông Masafumi Shukuri cho rằng, việc chọn lựa công nghệ phụ thuộc vào tốc độ khai thác và phương án chỉ khai thác chạy tàu khách hay khai thác chung tàu khách, tàu hàng.
Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống Shinkansen từ năm 1964 chưa xảy ra sự cố đe dọa mất an toàn, kể cả trường hợp không người lái, ông Masafumi Shukuri cho rằng nên đầu tư đường sắt tốc độ cao chuyên khai thác chạy tàu khách.
"Tàu viên đạn" hay bullet train là cách mà người ta hay gọi những chuyến tàu Shinkansen của đường sắt Nhật Bản. Đây là loại tàu cao tốc có thể đạt tới tốc độ 320km/h và có mạng lưới đường sắt phủ rộng khắp cả nước Nhật.
Với 9 tuyến Shinkansen, tàu cao tốc nổi tiếng thế giới này mang đến cho hành khách tốc độ cao nhất kết hợp với sự thoải mái vô song. Từ Tokyo, những con tàu sẽ di chuyển nhanh chóng đến các thành phố lớn trên khắp Nhật Bản theo những lộ trình cố định.
"Tàu viên đạn" Shinkansen, niềm tự hào của đường sắt Nhật Bản. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, ông Masafumi Shukuri cũng cho biết, Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản và Bộ GTVT Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội vào tháng 12/2023 tới đây. Hội thảo sẽ tập trung vào các lĩnh vực đường sắt, cảng biển và cảng hàng không.
Tại hội thảo, Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế sẽ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển đường sắt tốc độ cao, nhất là làm sao để tạo được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và thống nhất phối hợp tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời đề nghị phía Nhật Bản cử các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt tốc độ cao tham gia hội thảo để thông qua đó truyền thông đến Nhân dân, các bộ ngành hữu quan hiểu về đầu tư lĩnh vực này.
Việt Nam khẳng định luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng, lâu dài trong nhiều lĩnh vực trong đó nhiều công trình, dự án của Việt Nam có sự hỗ trợ của Nhật Bản, đồng thời mong muốn Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai tuyến đường sắt quan trọng này.
Trước đó, vào chiều 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao. Giữa năm 2022, Thủ tướng từng nêu đề xuất này với ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM) có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, dài khoảng 1.545km.
Hiện có hai phương án đường sắt tốc độ cao:
- Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h.
- Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350 km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng, vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD. Ban cán sự đảng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm phương án này.
Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030.
Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.