Theo thông tin từ báo chí nước ngoài, Hải quân Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa BrahMos từ năm 2014.
Tuy nhiên do khúc mắc về vấn đề sở hữu trí tuệ giữa Nga và Ấn Độ mà phải đến gần đây quốc gia Nam Á mới nhận được cái gật đầu của Moskva cho phép xuất khẩu loại phi đạn hành trình chống hạm tối tân này.
Được phát triển dựa trên P-800 Oniks/Yakhont, PJ-10 BrahMos gần như tương đồng hoàn toàn với nguyên mẫu về hình dáng cũng như tính năng kỹ chiến thuật.
Thay đổi đáng kể nhất phải kể đến là tốc độ của BrahMos được công bố lên tới Mach 3 (so với Mach 2,5 của Yakhont), khiến nó trở thành tên lửa chống tàu nhanh nhất thế giới.
Tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định, tên lửa BrahMos sẽ là công cụ răn đe mạnh mẽ của Việt Nam, rất có thể đây là lựa chọn tiếp theo của Việt Nam trên con đường xây dựng quân đội tinh nhuệ và hiện đại.
Bên lề Đối thoại Shangri-La, Phó đô đốc Anup Singh, cựu tổng tư lệnh hải quân miền Đông Ấn Độ cho biết, việc quốc gia Nam Á bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam sẽ sớm được hoàn tất. Tuy nhiên sự lạc quan trên có vẻ hơi sớm.
Vấn đề đầu tiên cần phải tính tới là cả hiện tại và tương lai chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ đưa tên lửa BrahMos lên tàu chiến, khi cặp Gepard thứ ba sẽ mang Kalibr còn những tàu cũ cũng chưa có kế hoạch nâng cấp vũ khí.
Trường hợp Việt Nam mua tên lửa BrahMos bản thông thường thì gần như chắc chắn nó sẽ được tăng cường cho lực lượng phòng thủ bờ biển. Nếu vậy có một vấn đề cần phải mang ra so sánh.
Trong khi đơn giá tên lửa Yakhont là 3 triệu USD/quả, một tổ hợp Bastion-P với radar, trạm điều khiển, 6 xe phóng và 36 tên lửa đi kèm tiêu tốn 150 triệu USD thì một khẩu đội BrahMos gồm 2 trạm chỉ huy, 5 xe phóng, 67 tên lửa được bán với giá... 900 triệu USD (đơn giá BrahMos là 5 triệu USD/quả), mức chênh lệch thực sự quá khủng khiếp.
Tên lửa BrahMos-M và phiên bản BrahMos tiêu chuẩn
Kỳ vọng thực sự của Việt Nam vào thời điểm hiện tại có lẽ được đặt vào biến thể phóng từ trên không BrahMos-M (BrahMos mini).
Nhờ tầm bắn xa (300 km) và tốc độ cực lớn (Mach 3,5), nó sẽ giúp cho tiêm kích Su-30MK2 đủ sức tiêu diệt mọi chiến hạm hiện đại nhất của đối phương chỉ sau một loạt đạn, đáng tiếc là theo kế hoạch thì phải đến đầu năm 2017 BrahMos-M mới hoàn thành thử nghiệm.
Một phiên bản không đối hạm khác của BrahMos là BrahMos-A lại có trọng lượng quá nặng (lên tới 2,5 tấn), chỉ có các máy bay Su-30MKI đã gia cố lại khung thân mới mang vác nổi, cho nên chắc chắn nó không nằm trong kế hoạch mua sắm của Việt Nam.
Việt Nam chỉ có thể mua BrahMos-A khi Su-30SME đã vào biên chế
Với một số rào cản nêu trên, việc Việt Nam ký hợp đồng đặt mua tên lửa BrahMos ngay trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar là tương đối khó khăn. Ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Nam Á này nhiều khả năng sẽ phải chịu một "Cú ngã trước cửa thiên đường".
Tuy vậy cơ hội dành cho BrahMos (đặc biệt là BrahMos-M) vẫn rất lớn, chúng hoàn toàn có thể xuất hiện trong trang bị của Không quân Việt Nam vào thời điểm sau năm 2017, khi đã chứng minh được hiệu suất chiến đấu của mình.