Chiều ngày 01/10, lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Lào và phu nhân đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng đồng chí Thongloun Sisoulith, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam; đánh giá chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Thủ tướng chúc mừng những thành tựu to lớn và toàn diện mà Đảng và nhân dân Lào anh em đã giành được trong thời gian qua; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục thu được nhiều thắng lợi mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VIII giai đoạn 2016-2020, tiến tới tổ chức thành công Đại hội toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI vào năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: Phương Anh)
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ vui mừng được trở lại thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai; đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại, cho rằng đây là mô hình để Lào học hỏi, phấn đấu, đồng thời là nguồn động viên to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Lào.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng cảm ơn Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã quan tâm thăm hỏi và chia sẻ với nhân dân Lào trước những thiệt hại do các trận lũ lụt liên tiếp vừa qua gây ra tại các tỉnh miền trung và nam Lào.
Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, được gây dựng và vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, là tài sản quý giá của hai dân tộc, đồng thời tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ song phương thời gian qua. Hai bên nhất trí tiếp tục đà trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các bộ, ngành, địa phương, qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực chất; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước; thúc đẩy triển khai hiệu quả kết quả Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ; khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự.
Hai Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác quốc phòng, an ninh; cho đây là lĩnh vực then chốt nhằm giữ vững môi trường ổn định để phát triển ở mỗi nước; nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận về biên giới; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới; đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hai bên nhất trí sớm tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) – Đen Sạ Vẳn (Lào); đồng thời phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trong năm 2019.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao các tiến triển tích cực trong hợp tác thương mại giữa hai nước; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm đưa kim ngạch hai chiều tăng trưởng ổn định từ 10%-15%/năm như đã đề ra; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận về thương mại; sớm ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế ưu đãi thuế, thương mại; nâng cao hơn nữa tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế.
Hai bên nhất trí triển khai các biện pháp hiệu quả để đảm bảo tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, có chính sách hỗ trợ thiết thực trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa hai nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Lào.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa các nội dung công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước; song song với tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, thúc đẩy kết nối sản phẩm du lịch; thực hiện tốt Hiệp định hợp tác lao động. Thủ tướng Chính phủ Lào cam kết tiếp tục tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục và giảm chi phí liên quan tới việc xin cấp phép cho lao động Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định chung về tình hình khu vực, quốc tế cũng như sự phối hợp giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS); tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Băng-cốc tháng 7/2019, theo đó, các bên nhất trí tăng cường tin cậy lẫn nhau và lòng tin, tự kiềm chế và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thành viên nhằm thúc đẩy phát triển thịnh vượng, đoàn kết, tự cường của Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; cùng phấn đấu vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng và dựa trên luật lệ.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Thủ tướng Thongloun Sisoulith chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và trao 08 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, giáo dục, tài chính, ngân hàng, năng lượng, hàng không. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong tình hình mới”.
2 Thủ tướng chứng kiến lễ ký và trao 08 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực. (Ảnh: Phương Anh)