Nhiều nền tảng số đã phủ sóng rộng khắp và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Đặc biệt, kể từ khi khẩu hiệu Made in Việt Nam được khởi xướng tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phong trào này đã tạo luồng sinh khí mới, thúc giục hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số. Cũng từ đây, không ít tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã chi rất mạnh tay để đầu tư cho công nghệ.
Người Việt tự làm chợ đồ cơ khí 4.0 trên Internet
Mới đây nhất, Việt Nam vừa chứng kiến sự ra đời của một nền tảng số hoạt động theo mô hình chợ cơ khí 4.0. Đây là nền tảng thương mại điện tử với website và ứng dụng di động cùng mang tên "Siêu chợ cơ khí" và là sàn thương mại điện tử đầu tiên theo hướng B2B2C (Business To Business To Customer là một mô hình kinh doanh phản ánh sự hợp tác giữa hai chủ thể doanh nghiệp (B2B) để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng (B2C)).
Giống như tên gọi của mình, "Siêu chợ cơ khí" là nơi bán tất cả các món đồ, linh phụ kiện về cơ khí trên kênh thương mại điện tử. Khách hàng mục tiêu của ứng dụng là người tiêu dùng đầu cuối (B2C) mua về để dùng, và khách hàng thương mại (B2B) mua về bán lại.
Ấp ủ ý tưởng từ năm 2017, "Siêu chợ cơ khí" được đặt những viên gạch tạo nền móng đầu tiên vào năm 2019 bởi một nhóm bạn trẻ Việt.
Người làm trong ngành cơ khí tại Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các linh, phụ kiện. Đây là những mặt hàng khá đặc thù, ít khi có trên các sàn thương mại điện tử chuyên tiêu dùng. Họ phải đến tận nơi, lùng sục từng cửa hàng để tìm mua, tìm giá mà chưa chắc đã mua được những món đồ như ý muốn. Đó cũng là lý do Siêu chợ cơ khí ra đời.
Trên app Siêu chợ cơ khí, người dùng sẽ có thể tham khảo giá cả, mua sắm các linh phụ kiện cơ khí từ xa. Việc tạo đơn, thanh toán, giải đáp và tư vấn về kỹ thuật cơ khí sẽ đều diễn ra online thông qua tài khoản trên nền tảng.
Với hơn 70% người sử dụng Internet, Việt Nam là mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà phát triển dịch vụ, cung cấp nền tảng số.
Mục tiêu của đội ngũ phát triển là muốn biến ứng dụng này trở thành nơi cung cấp tư liệu cho các bạn trẻ có đam mê về cơ khí để tìm tòi, tham khảo. Bên cạnh đó, Siêu chợ cơ khí cũng muốn đưa “làn gió” đổi mới của chuyển đổi số vào cơ khí - lĩnh vực tưởng chừng như rất khô khan và khó thay đổi.
Theo ông Nguyễn Nhựt Minh Trí, đại diện nhóm phát triển Siêu chợ cơ khí, quá trình phát triển sản phẩm ban đầu gặp nhiều khó khăn do đặc thù của ngành cơ khí khá phức tạp, về tư liệu kiến thức nhận biết lẫn sử dụng, đội ngũ phải tìm tòi khá nhiều và học hỏi từ tư liệu nước ngoài, vận dụng nhiều tư duy logic. May mắn là mọi chuyện dần được cải tiến và đi vào quỹ đạo để có sản phẩm như hôm nay.
Tính năng tự hào nhất của Siêu chợ cơ khí là trang bán hàng dành cho nhà cung ứng. Trang bán hàng này cung cấp cho bên cung ứng đầy đủ tính năng như một cửa hàng vật lý thể hiện trên môi trường online, để nhà cung ứng có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn, thêm đó là tính năng tăng giảm giá theo số được đặt hoặc %, tính năng tự tạo khuyến mãi, tính năng quản lý theo chủng loại, quy cách các loại hàng hóa phức tạp, giá sỉ giá lẻ.
“Giai đoạn khó khăn nhất là tiếp cận khách hàng thị trường mục tiêu, trong khi hành vi khách hàng muôn hình vạn trạng. Đến hiện tại, Siêu chợ cơ khi đã giải quyết được gần như 70% vấn đề gặp phải từ phía người dùng và giúp họ tiến gần đến sản phẩm cũng như đưa ra quyết định chọn mua đúng sản phẩm họ cần”, ông Trí nói.
Theo nhận định của nhóm phát triển, các sản phẩm, dụng cụ ngành cơ khí hiện diện xung quanh tất cả chúng ta, ngay trong cuộc sống hàng ngày. Do vậy, dư địa thị trường của ngành vật liệu cơ khí Việt Nam khi chuyển lên môi trường online không thể đong đếm được.
Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, nhóm phát triển Siêu chợ cơ khí không giấu giiếm tham vọng sẽ phát triển mô hình kinh doanh chợ cơ khí 4.0 ngày một lớn hơn, trước tiên là vươn ra khu vực Đông Nam Á.
Là một mô hình chuyển đổi số từ tiểu thương lâu năm trong ngành, đơn vị này kỳ vọng sự ra đời của Siêu chợ cơ khí sẽ đóng góp thêm một góc nhìn thực tế, mang công cuộc chuyển đổi số tới gần hơn với cuộc sống.