Việt Nam làm chủ hạ tầng chuyển đổi số

Ban Thời sự |

Tiến trình chuyển đổi số vài năm trở lại đây đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số là hạ tầng số.

Công nghệ điện toán đám mây, một trong những thành phần của hạ tầng số, là yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công. Người Việt đã làm chủ được việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đám mây toàn diện, từ đó từng bước làm chủ nền kinh tế số.

Viettel Cloud là hệ sinh thái đám mây toàn diện hoàn toàn do các kỹ sư của Tập đoàn Viettel nghiên cứu và phát triển. Đơn vị sử dụng sẽ không cần đầu tư hạ tầng, sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng, dịch vụ từ trung tâm dữ liệu, kết nối trong nước, quốc tế, các nền tảng công nghệ cho đến công nghệ bảo mật. Viettel Cloud triển khai các sản phẩm đạt cấp độ 4 về an toàn thông tin và quy trình vận hành toàn cầu.

Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel - cho rằng: "Việc ra đời hệ thống điện toán đám mây của Việt Nam do chích người Việt Nam làm chủ, đặt tại Việt Nam. Thứ nhất là góp phần khẳng định chủ quyền số. Thứ hai là đảm bảo việc lưu trữ, cất giữ các dữ liệu là tài sản đấy tại đất nước Việt Nam một cách an toàn".

Hiện 80% thị phần thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang do các công ty nước ngoài cung cấp. Việc làm chủ hệ sinh thái điện toán đám mây là cơ hội để cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hạ tầng số trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Sử dụng Cloud sẽ có chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn.

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - nhận định: "Có thể nói là nền tảng Cloud, điện toán đám mây sẽ đem lại cơ hội phát triển rất nhiều loại hình dịch vụ phong phú và càng ngày càng gần gũi với người dân hơn. Không chỉ là giá trị kinh doanh mà giá trị đem lại cho đời sống xã hội rất là lớn khi mà chúng ta tiến kịp và cập nhật các công nghệ điện toán đám mây trên toàn cầu".

Việt Nam làm chủ hạ tầng chuyển đổi số - Ảnh 1.

Hãng McKinsey dự báo, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt mức 400 - 700 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 21%. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ và cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Chuyển đổi số không chỉ là lợi ích kinh tế

Nói đến làm kinh tế số, một điều rất thú vị là ngay cả ở vùng nông thôn mọi người cũng rất thành thạo. Giờ đây, người dân có thể dễ dàng ngồi ở Hà Nội muốn mua nông sản, dược liệu của bà con dân tộc ở Hà Giang thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc thậm chí liên lạc trực tiếp với người bán hàng.

Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam dự định sẽ đưa 7,5 triệu hộ lên các sàn thương mại điện tử. Và không chỉ có lợi cho kinh tế số, việc chuyển đổi số còn mang lại những bước chuyển đối với hai trụ cột còn lại là Chính phủ số và xã hội số.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, chuyển đổi số đang giúp việc quản trị, điều hành ở các cấp trở nên hiệu quả hơn. Còn ở góc nhìn xã hội, chuyển đổi số đang tạo nên sự thay đổi lớn về nhận thức, về tư duy và từ đó tạo ra cơ hội cho người Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại