Mất nhiều môn thế mạnh
SEA Games 33 dự kiến gồm 44 môn thể thao với 567 bộ huy chương. Trong số này vẫn có những môn cơ bản trong chương trình thi đấu của Asiad hay Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, TDDC, bóng bàn…Tuy nhiên, một số môn là thế mạnh gặt hái huy chương của Việt Nam đã bị nước chủ nhà Thái Lan đưa khỏi chương trình thi đấu.
Điển hình trong số này là môn Vovinam, môn võ từng đem lại rất nhiều HCV cho Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, tại Việt Nam và Lào. Tại SEA Games 32, Việt Nam đoạt tới 7 HCV, 13 HCB và 1 HCĐ, con số góp phần tạo nên sự khác biệt với các đối thủ ở tốp đầu. Hoặc môn lặn cũng là thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam, từng tạo nên cơn “mưa vàng” ở SEA Games 32. Nhiều nội dung ở 2 môn này, các VĐV Việt Nam đều không có đối thủ cạnh tranh.
Đề cập tới SEA Games 33 và kỳ Asiad sắp tới, ông Dương Đức Thuỷ nhận định, điền kinh sẽ càng khó khăn hơn khi những gương mặt hàng đầu đã ở đỉnh sự nghiệp, trong khi nhìn vào những gương mặt VĐV trẻ, chưa có nhiều người thật sự tiềm năng.
Chiều ngược lại, với lợi thế chủ nhà, Thái Lan thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các nội dung thi đấu thế mạnh. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Cục TDTT thừa nhận, đoàn thể thao Việt Nam sẽ phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng nếu muốn duy trì được thành tích tốt ở SEA Games 33. “Hai kỳ SEA Games gần đây, Việt Nam đều đạt thành tích rất tốt, đặc biệt SEA Games 32 là lần đầu chúng ta giành vị trí nhất toàn đoàn khi đại hội không diễn ra trên sân nhà. Dù vậy phải thừa nhận Thái Lan có nền thể thao phát triển, là chủ nhà họ sẽ có lợi thế trên nhiều mặt. Cả khách quan và chủ quan, đây sẽ là kỳ đại hội nhiều thách thức với Việt Nam”, vị này nói.
Tìm sức bật cho đấu trường lớn
Tại SEA Games 32, dù vẫn giữ ngôi nhất toàn đoàn, nhưng có những tín hiệu cho thấy thể thao Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn trong cuộc đua ở tốp đầu, đặc biệt những môn trọng điểm. Ví dụ rõ nhất là môn điền kinh, sau 2 kỳ liên tiếp dẫn đầu, Việt Nam đã bị mất thế thống trị vào tay Thái Lan. Phong độ nổi bật của VĐV Nguyễn Thị Oanh đã không đủ để giúp Việt Nam tiếp tục đứng trên người Thái ở môn này.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau Asiad 19 (Hàng Châu, Trung Quốc), chuyên gia điền kinh Dương Đức Thuỷ từng bày tỏ lo ngại về công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ, cũng như cơ sở vật chất của môn điền kinh. Đề cập tới SEA Games 33 và kỳ Asiad sắp tới, ông Dương Đức Thuỷ nhận định, điền kinh sẽ càng khó khăn hơn khi những gương mặt hàng đầu đã ở đỉnh sự nghiệp, trong khi nhìn vào những gương mặt VĐV trẻ, chưa có nhiều người thật sự tiềm năng.
Một thực tế đáng quan ngại khác là ở nhiều môn trọng điểm khác như bơi lội, bắn súng, Việt Nam cũng không có lực lượng thực sự dồi dào. Bơi lội vẫn chỉ trông đợi vào Huy Hoàng, Hưng Nguyên hay Thanh Bảo trong khi bắn súng đặt cả vào Phạm Quang Huy, Trịnh Thu Vinh. Bên cạnh đấy, một số môn rất được yêu thích như bóng đá (nam, nữ) hay futsal, bóng chuyền…, Việt Nam đều được dự báo sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều nước, số 1 vẫn là chủ nhà Thái Lan.
Tại SEA Games 32, dù đội tuyển bóng đá nữ vẫn giữ được ngôi hậu nhưng đội U22 nam đã văng khỏi vị trí số 1 sau khi giành ngôi vô địch kỳ trước. Tương tự, bóng chuyền nam và futsal sẽ phải nỗ lực nếu muốn cạnh tranh tốp đầu. Khi đấu trường Asiad và Olympic vẫn là giấc mơ lớn, đấu trường SEA Games cũng trở nên chật vật hơn với Việt Nam, đòi hỏi những giải pháp cấp bách để xốc lại tinh thần.