Việt Nam khó đổi nông sản lấy vũ khí từ Mỹ?

Ngọc Hòa |

Sau khi Thái Lan đổi thành công nông sản lấy vũ khí của Nga, Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên học "chiêu mua bán cổ lỗ" này với Mỹ.

Ngày 21/5, Thái Lan và Liên bang Nga vừa nhất trí trao đổi hàng nông sản, bao gồm gạo và cao su tự nhiên, để lấy máy bay trực thăng.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, Thái Lan và Nga đã nhất trí về việc trao đổi hàng nông sản lấy máy bay trực thăng trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Theo ông Don, phía Nga muốn mua 80.000 tấn cao su tự nhiên và một số lượng gạo, trong khi Thái Lan muốn mua các máy bay trực thăng do Nga chế tạo phục vụ cho công việc chống thảm hoạ cháy rừng.

Một nhóm công tác chung của hai nước sẽ thảo luận về chi tiết của thỏa thuận này, như số lượng cụ thể hàng hóa trao đổi giữa hai bên.

Ngoại trưởng Thái Lan còn cho biết, Nga cam kết sẽ ủng hộ Thái Lan trở thành thành viên mới của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Bangkok đã sẵn sàng nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.

Bằng cách gia nhập EAEU, Thái Lan sẽ thuận lợi hơn trong việc hoàn thành mục tiêu tăng kim ngạch thương mại với Nga lên 5 lần trong 5 năm tới.

 Việt Nam khó đổi nông sản lấy vũ khí từ Mỹ?  - Ảnh 1.

Tiêm kích F/A-18 của Mỹ

Theo Đại tá, PGS. TS. Đặng Thanh Bình, không chỉ đổi nông sản lấy vũ khí với Nga, Thái Lan còn áp dụng cách mua sắm này với Trung Quốc.

Ngay từ tháng 5/2005, chính phủ Thái Lan đã ký một hợp đồng mua 30 chiếc xe tăng thế hệ mới từ Trung Quốc có trị giá khoảng 150 triệu USD để trang bị cho Lục quân Hoàng gia (RAT) của nước này.

Với hợp đồng này, Thái Lan là khách hàng đầu tiên mua xe tăng chủ lực thế hệ mới MBT-300 (còn gọi là VT4).

Theo các điều khoản thỏa thuận từ hợp đồng, chính phủ Thái Lan phải xuất sang Trung Quốc 120.000 tấn long nhãn khô trong vòng 10 năm (trung bình mỗi năm xuất khẩu 12.000 tấn).

Bằng cách mua bán này, chính phủ Thái Lan đã tìm được đầu ra ổn định trong vòng 10 năm cho các hộ nông dân trồng long nhãn xuất khẩu.

Tháng 5/2016 vừa qua, Lục quân Thái Lan đã nhận được số xe tăng thế hệ mới được sản xuất từ Trung Quốc theo đúng hợp đồng đã ký kết cách đây hơn 10 năm.

Cách mua bán này là một dạng thương mại "cổ lỗ sĩ" hàng đổi hàng nhưng lại rất hợp thời với Thái Lan, Liên bang Nga và Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay.

Việc trao đổi “xưa cũ’ giúp cho những nước này có thể vượt qua nhiều rào cản trong phi vụ này, khi hàng hoá thì dư thừa mà tiền mặt thì khan hiếm, nhất là Nga trong thời kỳ cấm vận.

Tuy nhiên, dù Thái Lan đã thành công với cách mua vũ khí xưa cũ với Nga và Trung Quốc, tuy nhiên Việt Nam khó có thể áp dụng cách mua bán này với Mỹ bởi thực tế hiện nay, Mỹ hoàn toàn khác so với Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Nhưng với cam kết lịch sử của Tổng thống Mỹ Batak Obama ngày 23/5 tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cơ hội cho Việt Nam từng bước tăng cường sức mạnh quân sự bằng vũ khí có nguồn gốc từ Mỹ.

Và liệu Việt Nam có thực hiện được mong muốn của Tổng thống Obama: “Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam đã áp dụng khoảng 50 năm nay.

Dù việc mua bán này vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện gắt gao. nhưng sự thay đổi này bảo đảm cho Việt Nam tiếp cận được với các thiết bị cần thiết để tự bảo vệ”?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại