Tờ Militarnyi cũng dẫn nguồn từ Báo Phòng không - Không quân của Việt Nam cho biết, Việt Nam đã phóng tên lửa từ tổ hợp S-300PMU-1 lần đầu tiên sau 20 năm.
Đây cũng là thông tin được đề cập trên báo Phòng không - Không quân, khi nhắc đến việc Trung đoàn 93 bắn nghiệm thu tại trường bắn TB-5.
Tờ Militarnyi nói thêm, Việt Nam mua tổ hợp S-300PMU-1 của Nga vào năm 2003, bao gồm 12 bệ phóng, với tổng chi phí 300 triệu USD.
Sau đó vào năm 2009, các tổ hợp này được hiện đại hóa với trạm radar 96L6E và năm 2012, Việt Nam mua thêm S-300PMU-2 từ Nga.
Tên lửa phòng không dẫn đường tầm xa 48N6E, có tầm bay tối đa 150 km và độ cao 25 km là vũ khí chủ lực của tổ hợp vũ khí nói trên.
Xe mang phóng tự hành 5P85SE của tổ hợp phòng không S-300PMU-1 Việt Nam.
S-300PMU-1 là biến thể xuất khẩu của hệ thống S-300PM, được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Moskva năm 1992.
Hệ thống này có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu khác bay với tốc độ lên tới 2.800 mét/giây và diện tích phản xạ radar 0,02 mét vuông.
Tổ hợp có thể hoạt động trong điều kiện diễn ra một cuộc tập kích đường không lớn của kẻ thù, dưới tác động của nhiễu chủ động và thụ động dữ dội.
Sự khác biệt chính giữa S-300PM và S-300PMU-1 so với các biến thể trước đó là tên lửa 48N6 (48N6E) mới.
Hệ thống S-300PMU-1 bao gồm: radar trinh sát và dẫn đường đa chức năng 30N6E, tới 12 bệ phóng 5P85SE sử dụng khung gầm MAZ-547 hoặc 5P85TE trên khung xe KrAZ-260.
Tổ hợp này còn được trang bị xe phân tích 1T12M2, xe nạp đạn 22T6E, tháp 40В6M dành cho radar hỏa lực đa kênh 30N6Е, hay radar bắt thấp 76N6....
Trong bộ sản phẩm, người mua còn nhận được một trạm phát điện diesel, trạm sửa chữa 13Ю6E và các bộ phụ tùng thay thế.
Đối với S-300PMU-2, thay đổi dễ nhận thấy nhất là các màn hình trong xe điều khiển, có thể sử dụng tên lửa tầm xa 48N6E2 tầm xa 200 km.
Tổ hợp phòng không S-300 Việt Nam huấn luyện chiến đấu.
Theo Militarnyi, Báo Phòng không Không quân