Việt Nam họp tổng kết tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Phạm Huân |

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày 29/04 đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4/2021.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 29/04 đã chủ trì phiên họp.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 29/04 đã chủ trì phiên họp.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Phiên họp tổng kết thu hút hơn 70 đại diện quốc gia thành viên, quan sát viên Liên Hợp Quốc tham dự, trong đó có Đại sứ, Trưởng phái đoàn nhiều nước.

Đặt người dân ở vị trí trung tâm và hướng đến xây dựng, duy trì hoà bình bền vững

Trong tháng Chủ tịch, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì tổ chức 4 sự kiện ưu tiên về vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột, khắc phục hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, và bạo lực tình dục trong xung đột. Các chủ đề này đều đặt người dân ở vị trí trung tâm và hướng đến xây dựng, duy trì hoà bình bền vững. Đi cùng với các sự kiện này, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua 3 văn kiện của Hội đồng Bảo an, trong đó có 2 tuyên bố chủ tịch và 1 nghị quyết.

Sáng kiến quan trọng nhất do Việt Nam thúc đẩy là thảo luận mở về vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an và là hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng. "Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột" là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hòa bình, ổn định là xu thế lớn song xung đột, cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt toàn cầu. Sau cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo anđã thông qua tuyên bố của Chủ tịch do Việt Nam đề xuất về chủ đề này.

Các cuộc thảo luận về khắc phục hậu quả bom mìn và bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, nhận được quan tâm và đánh giá cao của các nước thành viên Liên Hợp Quốc . Điều này được phản ánh rõ nét qua việc 65 nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng bảo trợ và 15/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết 2537 do Việt Nam chủ trì xây dựng và thương lượng về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đảm bảo viện trợ nhân đạo, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua tuyên bố Chủ tịch đầu tiên do Việt Nam đề xuất đề cập riêng về vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn.

Phiên thảo luận về bạo lực tình dục trong xung đột được nhiều nước thành viên Liên Hợp Quốc hoan nghênh, cảm ơn Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận về một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết. Các nước khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột, nhấn mạnh cần nỗ lực giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Palestine, Yemen, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Sudan, Somalia, Libya, Abyei (Sudan/Nam Sudan), Ethiopia, Kosovo, Colombia và Myanmar…

Thúc đẩy thống nhất, đồng thuận trong Hội đồng Bảo an và sự tham gia rộng rãi vào công việc của Hội đồng Bảo an.

Việt Nam đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy tham vấn và xây dựng đồng thuận đề ra được các quyết định kịp thời.

Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam cũng đã thúc đẩy sự tham gia rộng rãi nhất vào công việc của Hội đồng Bảo an thông qua việc tổ chức các cuộc gặp mặt, trao đổi với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, gặp mặt trực tiếp giữa các thành viên Hội đồng Bảo an, họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của Hội đồng Bảo an cho các nước thành viên, quan sát viên của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác.

Tại thảo luận mở về bạo lực tình dục trong xung đột, Việt Nam đã mời báo cáo viên khiếm thính đầu tiên báo cáo tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với tiếng nói của các thành phần xã hội, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và mang lại cho các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cách tiếp cận toàn diện hơn đối với chủ đề thảo luận.

Hoạt động dày đặc, đa dạng với số lượng văn kiện lớn

Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, đến ngày 29/4/2021, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 27 hoạt động chính thức, trong đó có 5 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo, 2 cuộc họp thông qua nghị quyết, 7 cuộc họp thương lượng nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an đã thông qua 12 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 2 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 1 thông tin báo chí. Dự kiến ngày 30/4/2021, Hội đồng Bảo an vẫn tiếp tục hoạt động.

Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước thành viên Liên Hợp Quốc đánh giá cao các hoạt động ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam thúc đẩy sự quan tâm của Hội đồng Bảo an tới khía cạnh nhân đạo và bảo vệ thường dân. Các nước chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an thành công, điều hành mọi hoạt động của Hội đồng Bảo an diễn ra suôn sẻ, thúc đẩy đồng thuận trong Hội đồng Bảo an cũng như sự tham gia và đóng góp của các nước thành viên Liên Hợp Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại