Năm 2014, sau bảy năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất & Khoáng sản và Hội hang động Nhật Bản công bố hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á ở Tây Nguyên – một trong những hệ thống hang động núi lửa còn nhiều bí ẩn trên thế giới.
Nhằm nghiên cứu về sự đa dạng của hệ thống động thực vật tại đây, các nhà khoa học của Chương trình Tây Nguyên đã thực hiện các đợt khảo sát trong tháng 10/2018 và tháng 4/2019. Một phần kết quả hé lộ cho thấy, chỉ riêng hệ động vật không xương sống đã ghi nhận được 240 cá thể, bao gồm 54 họ thuộc 7 lớp, 21 bộ. Trong đó, ghi nhận được 6 loài mới.
Đặc biệt đã phát hiện loài bọ cạp mới có tên Chaerilus chubluk - mang tên núi lửa Chư B’Luk - ngọn núi lửa đã sinh ra hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Đây là loài bọ cạp lần đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa trên thế giới.
Các nhà khoa học nhận định, đây là loài chuyên biệt, thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng sự khác biệt về chế độ ánh sáng cũng như ẩm độ đã khiến hình thành loài đặc hữu cho khu vực này.
Không chỉ có hệ thống động vật không xương sống đa dạng, hệ thống hang động Krông Nô còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa từng được biết đến về lịch sử, văn hóa.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện di sản hỗn hợp di tích cư trú tiền sử thời Đá mới trên miệng núi lửa Hố Tre ở thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu tính liên tục/dòng chảy lịch sử giai đoạn Đá mới ở lưu vực sông Sêrêpốk thuộc Nam Tây Nguyên.
Hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á tại Tây Nguyên.
Các nhà khoa học cũng phát hiện có hệ thống hàng loạt di tích thời Đá cũ dọc đới Sông Ba, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát hiện các nền văn hóa cổ đại - văn hoá Đá cũ ở Tây Nguyên, góp phần quy hoạch xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ di sản hỗn hợp ở các tỉnh có liên quan.
Phát hiện này đã được các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga ghi nhận, là tiền đề để xây dựng một đề án lớn “Thiên nhiên và con người kỷ Đệ tứ ở Đông Dương, lấy thí dụ khu vực miền núi của Việt Nam”. Qua đó sẽ triển khai việc hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Novosibirsk, Liên bang Nga.
Hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau.
Hang động lớn nhất có chiều dài trên 1.000m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động nằm trong rừng sâu. Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hang động núi lửa dài và đẹp nhất của Đông Nam Á, rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch.