Người tiêu dùng Việt Nam thường có hai mục đích chính cho việc mua vàng. Mục đích thứ nhất là dùng vàng làm tài sản để tiết kiệm, đầu tư; mục đích thứ hai là dùng vào cho nhu cầu trang sức.
Tâm lý xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm, đầu tư vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. Tính về số lượng, vàng miếng và tiền vàng vẫn chiếm tới 70% tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, con số đã này bắt đầu giảm mạnh từ sau giai đoạn 2010-2013 khi Chính phủ ban hành các quy định nhằm kiểm soát thị trường vàng và chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống ngân hàng.
Sự đi xuống của nhu cầu vàng miếng cũng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của vàng trang sức tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2012-2017 khi quy mô thị trường vàng miếng sụt giảm với tỷ lệ tăng trưởng kép giảm 13% thì thị trường trang sức vàng tăng trưởng kép 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ vàng trang sức/tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam mới chỉ là 31%, trong khi con số này của các nước có cùng đặc điểm dân số/văn hóa trong khu vực là trên 50% (ngoại trừ Thái Lan), cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn.
Các cửa hàng truyền thống vẫn đang thống trị thị trường trang sức với 80% thị phần bán lẻ. Ngoài độ bao phủ rộng khắp, các cửa hàng này còn có lợi thế lớn về niềm tin và mối quan hệ với khách hàng. Do đặc tính về giá trị lớn cũng như vòng đời dài của mặt hàng trang sức, khách hàng thường lựa chọn gắn bó với những cửa hàng quen.
Mặt khác, các chuỗi bán lẻ hiện đại có lợi thế về giá bán và chất lượng đồng nhất, sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng phục vụ tốt hơn, thế mạnh về quảng cáo và thương hiệu.
Với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm sang kênh bán lẻ hiện đại của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao hơn về dịch vụ cũng như tính thời trang đối với các mặt hàng trang sức, chúng tôi cho rằng miếng bánh thị phần sẽ được chia lại với sự mở rộng của các chuỗi bán lẻ.
Liên quan đến giá vàng, giá vàng trong nước trong những ngày qua trồi sụt bất thường trước diễn biến giá vàng thế giới. Vào lúc 8h50' sáng 12/7, giá vàng Phú Quý giảm 60.000 đồng/lượng đối với giá mua vào và bán ra, lần lượt còn 36.800.000 đồng và 36.900.000 đồng/lượng.