4h30 sáng ngày 8/9/2024, giữa siêu bão Yagi và những con sóng cao tới hơn 4m, ánh đèn pha của tàu SAR 412 chiếu rọi sau 10 tiếng di chuyển xuyên đêm từ Quảng Ngãi tới Quảng Ninh tìm kiếm cứu nạn, 13 thuyền viên mắc kẹt trên tàu Bạch Đằng 01 vui mừng khôn xiết.
"Thời điểm tàu gặp nạn, bị trôi dạt trên biển trong điều kiện sóng cao tới hơn 4m, có những lúc tôi nghĩ quẩn 'thế là hết'. Cho tới khi thấy những ánh đèn pha, rồi tàu SAR xuất hiện, chúng tôi ai nấy đều mừng rơi nước mắt" – Một thuyền viên tàu Bạch Đằng 01 chia sẻ với Báo Giao Thông.
Đối với các thuyền viên và ngư dân Việt Nam trên biển, đã từ lâu những chiếc tàu SAR của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) như những "vị cứu tinh", giúp họ có thêm niềm tin để bám biển.
"Anh em tụi tôi hay ví họ là thần hộ mệnh trên biển" – Một ngư dân hai lần được tàu SAR cứu nạn cho hay.
Theo thống kê của VMRCC, chỉ tính riêng trong năm 2024, đã có 1.118 người gặp nạn trên biển được lực lượng hàng hải Việt Nam cứu và hỗ trợ kịp thời, trong đó có 1023 người Việt Nam, 95 người nước ngoài.
Chỉ thị giữa tình huống cấp bách
SAR là từ viết tắt của cụm "Search and Rescue", tức là tìm kiếm và cứu nạn. Tính tới tháng 5/2023, VMRCC sở hữu 7 tàu SAR, trong đó có 3 tàu chiều dài 41m, tầm hoạt động 250 hải lý và 4 tàu tầm hoạt động 150 hải lý. Tuy nhiên, chúng phần lớn là những tàu đóng từ đầu những năm 2000.
Như tàu SAR 412, mặc dù vẫn duy trì được tầm hoạt động tối đa và tốc độ hoạt động trên biển nhưng do tàu đã đóng nhiều năm nên nhiều thiết bị, phụ tùng đã cũ. Ông Trần Quang Thanh – thuyền trưởng tàu – cho biết, không ít lần máy móc hỏng hóc, đội ngũ kỹ sư máy vừa sửa xong chỗ này, chỗ khác lại trục trặc.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho Cục hàng hải Việt Nam và VMRCC dự án đóng mới tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hoạt động xa bờ SAR 631 với tổng mức đầu tư 423 tỷ đồng.
Đơn vị được giao trọng trách là Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) – nơi đã cho ra đời tàu cứu hộ tàu ngầm Yết Kiêu trang bị cho Hải quân Việt Nam.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải tham quan bên trong tàu SAR-631. Ảnh: VMRCC
Dự án siêu tàu 400 tỷ và 3 thách thức lớn
Theo công ty đóng tàu đa năng và đa dụng Nordic Seahunter (Na Uy), một trong những đặc điểm nổi trội của tàu SAR là chúng có chiều rộng và chiều dài khác nhau để thích nghi với các điều kiện thời tiết riêng biệt.
Chiều rộng và chiều dài tiếp xúc phù hợp sẽ cho phép tàu chống chọi được với các môi trường đầy thách thức, cho dù là biển động hay vùng biển đang có bão gió. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà việc chế tạo loại tàu này không hề đơn giản.
Loại tàu này phải trải qua quá trình thử nghiệm rất nghiêm ngặt. Chiều dài tàu – yếu tố quan trọng nhất - phải được cân nhắc rất cẩn trọng khi thiết kế bởi nó sẽ ảnh hưởng đến độ ổn định và khả năng cơ động của tàu.
"Các nhà thiết kế tàu SAR phải nắm rõ những thách thức mà những con tàu phải đối mặt, và làm việc không biết mệt mỏi để tạo ra các thiết kế cho phép xử lý và vượt qua những thách thức này" - Nordic Seahunter cho hay.
Siêu tàu SAR-631 trong xưởng đóng. Ảnh: VOV
Yếu tố quan trọng thứ hai là kết cấu thân tàu. Bộ phận này cần được chế tạo đặc biệt để ổn định, cho phép tàu hoạt động an toàn ngay cả trên biển động.
Sợi thủy tinh gia cố bằng vật liệu composite thường được sử dụng cho tàu SAR nhờ tỷ lệ sức bền/trọng lượng và khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt của môi trường biển. Những vật liệu này không chỉ giúp tàu chịu được va đập mà còn chống ăn mòn từ nước mặn, bất kể chiều dài của tàu là bao nhiêu.
Thứ ba, hệ thống đẩy với chiều dài phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế tàu SAR. Các công nghệ tiên tiến cần được sử dụng để tối ưu hóa mức tiêu thụ nhiên liệu và duy trì tốc độ cao cần thiết, cho phép thời gian phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp.
Tàu cứu nạn và "sở chỉ huy nổi" hiện đại nhất Việt Nam
Sau gần 1 năm rưỡi thi công, sáng 11/12/2024, tại cảng Công ty TNHH MTV Hải Sơn, Đà Nẵng, VMRCC đã tổ chức lễ tiếp nhận tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ SAR 631 hiện đại nhất Việt Nam.
Đại úy Lê Hữu Toàn, Trợ lý kỹ thuật nhà máy Z189 cho biết, tàu được khởi đóng từ giữa năm 2023, có phạm vi hoạt động hơn 3.000 hải lý và chống chọi được mức sóng tới hơn cấp 9.
"Tàu SAR có chiều dài toàn phần 63,8m, rộng 10,2m, tổng dung tích 958GT, trọng tải toàn phần 395 DWT. Tàu được thiết kế có tốc độ cao nhất 20,5 hải lý/giờ, trang bị đầy đủ các trang thiết bị nghi khí hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị chuyên dùng phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
Tàu được thiết kế có thể chứa được 20 thuyền viên, cùng 20 người là lực lượng cứu nạn và y bác sĩ và có thể cứu được 100 người bị nạn trên biển…" – Đại úy Lê Hữu Toàn cho hay.
Đáng lưu ý, 631 mang ý nghĩa "lần đầu tiên Việt Nam tự đóng mới một tàu cứu nạn cỡ lớn có chiều dài 63m mà không cần nhập khẩu".
Các kỹ sư nhà máy Z189 thi công tàu SAR 631. Ảnh: VOV
Theo công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái - nhà cung cấp đồng bộ giải pháp hệ động lực và máy phát điện cho dự án tàu SAR 631, "trái tim" của tàu là 2 động cơ máy thủy Cat 3516C với công suất 3386 BHP (2525 KW)/ máy chính, kết hợp với hộp số ZF, và chân vịt biến bước Berg, cung cấp công suất mạnh mẽ, giúp tàu di chuyển nhanh, linh hoạt, ổn định trong mọi tình huống, và tối ưu hóa hiệu suất nhiên liệu.
Ngoài ra, 3 máy phát điện chính Cat C7.1 đảm bảo cung cấp nguồn điện liên tục, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các thiết bị hiện đại trên tàu, trong khi 1 máy phát điện dự phòng Cat C4.4 sẵn sàng khởi động ngay lập tức khi hệ thống chính gặp sự cố, đảm bảo tàu luôn có nguồn điện dự phòng an toàn.
Theo VMRCC, tàu được đưa vào hoạt động thường trực tại Đà Nẵng có thể đáp ứng tốt được các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực vùng biển miền Trung và quần đảo Hoàng Sa trong tình hình mới.
Tại lễ tiếp nhận, ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc VMRCC cho biết, ngoài chức năng tìm kiếm cứu nạn, tàu SAR 631 còn được thiết kế đặc biệt để có thể làm sở chỉ huy phía trước ngay tại hiện trường, giúp công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trở nên sát thực và kịp thời hơn.
Tàu SAR 631 cập cầu cảng tại Đà Nẵng. Ảnh: VMRCC
Năng lực đóng tàu đáng nể của Việt Nam
Nhận định về tàu SAR 631 của Việt Nam, Shephard Media – website chuyên cung cấp thông tin và giải pháp kinh doanh cho ngành quốc phòng có trụ sở tại London (Anh) cho rằng, tàu SAR 631 là một minh chứng cho năng lực đóng tàu nội địa của Việt Nam, đồng thời cho thấy sự đầu tư đúng đắn vào các thiết bị hiện đại phục vụ công tác cứu nạn.
Trước đó, tạp chí quân sự Asian Military Review (Thái Lan) đã đánh giá rất cao việc nhà máy Z189 đóng thành công tàu cứu hộ tàu ngầm Yết Kiêu với những thách thức kỹ thuật rất phức tạp, đưa Việt Nam gia nhập nhóm 6 nước châu Á có tàu cứu hộ tàu ngầm.
Lần này, với tàu SAR 631, năng lực đáng nể của nhà máy Z189 nói riêng và của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung trong việc làm chủ các thiết kế và công nghệ mới lần nữa được chứng minh.
Các tàu SAR đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của hoạt động cứu hộ. Chúng mang tới khả năng phản ứng nhanh, cho phép hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp. Với khả năng tìm kiếm tiếp xúc lớn, chúng có thể nhanh chóng định vị và hỗ trợ những người cần giúp đỡ.
Trả lời VOV vào tháng 1/2024, ông Vũ Việt Hùng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng hải Việt Nam và VMRCC nghiên cứu đầu tư thêm 2 tàu loại 63m nữa.
Dự kiến trong tương lai, Việt Nam sẽ đóng mới thêm nhiều "siêu tàu" chuyên cứu nạn hàng hải để triển khai tại các vùng biển thường xuyên xảy ra sự cố như khu vực miền Trung, vùng Tây Nam Bộ…