Nhiều băn khoăn
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất , lắp ráp trong nước. Theo đó, về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo nghị định.
Tuy nhiên, có 3 bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương) lo ngại đề xuất này sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang. Do đó, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị, rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đánh giá tác động đầy đủ, rà soát đối tượng giảm lệ phí trước bạ, đề xuất đối tượng giảm lệ phí trước bạ cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đúng mục tiêu, quan điểm xây dựng Nghị định, bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, theo báo cáo của Bộ Tài chính có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết quốc tế về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tiếp tục thực hiện gia hạn chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước . Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm cam kết quốc tế.
Tương tự, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Tổ chức Thương mại thế giới (DS), trường hợp Việt Nam bị kiện và kết luận vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do ban hành các chính sách về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam phải dừng ngay các biện pháp vi phạm theo các kết luận và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trong WTO. Trường hợp không thực hiện theo các kết luận và khuyến nghị trong một khoảng thời gian hợp lý, Việt Nam có thể phải bồi thường hoặc đối mặt với việc bị trả đũa từ các nước đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước.
Lo bị trả đũa
Trao đổi với PV Tiền Phong , luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, Việt Nam đang là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Theo vị luật sư, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA. Việc tiếp tục gia hạn chính sách sẽ vi phạm cam kết mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Phát cho rằng, giảm 50% lệ phí trước bạ dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm cam kết quốc tế và khả năng sẽ có sự phản ứng của một số nước. Chưa kể, nếu phân biệt đối xử hàng hoá nhập khẩu từ các nước thì khi hàng của chúng ta nhập sang nước họ sẽ phân biệt, áp dụng biện pháp trả đũa . Trong trường hợp căng thẳng, nếu khiếu nại mà chúng ta không nghe thì họ khởi kiện ra tòa quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2006 khi nền kinh tế chưa thực sự toàn diện và cần lộ trình để từng bước gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Các tổ chức đã xem xét nhiều mặt và cho Việt Nam thời gian.
Tuy nhiên, từ đó đến nay Việt Nam đã có gần 20 năm phát triển. Hiện tại, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và trách nhiệm của chúng ta là cũng phải chơi theo luật quốc tế. Việt Nam không thể hỗ trợ theo cách “trợ giá” như giảm 50% lệ phí trước bạ. Hậu quả sẽ rất to lớn khi “đụng chạm” tới vấn đề nhạy cảm này trên bình diện quốc tế.
Ông Hiển khẳng định, việc vi phạm các cam kết quốc tế sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với những lo ngại rất lớn và nguy hiểm. Hiểu đơn giản là “ta làm gì thì họ cũng làm được như vậy”, tức là khi họ thấy Việt Nam đang có những hành động vi phạm sự vận động của nền kinh tế thị trường, không tuân thủ các cam kết quốc tế, các nước khác cũng sẽ trực tiếp trả đũa.
“Những ưu đãi về thuế trong các hiệp định, cam kết quốc tế có thể sẽ không còn hiệu lực, không chỉ với lĩnh vực công nghiệp ô tô mà còn nhiều ngành nghề khác. Vậy những nỗ lực của các ngành như thủy sản trong nhiều năm để được hưởng ưu đãi sẽ đổ sông đổ biển. Ngoài ra còn là những thiệt hại to lớn phải lường trước như việc nhiều ngành hàng sẽ bị áp thuế ở mức cao hơn, đồng nghĩa ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, cán cân thương mại cũng như cả nền kinh tế”, ông Hiển nói.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc có những chính sách đặc biệt như giảm lệ phí trước bạ chỉ hợp lý nếu thực hiện trong những giai đoạn đặc biệt như dịch bệnh. Khi đó, nền kinh tế chúng ta quá yếu và không chỉ Việt Nam có những biện pháp đặc thù, đó là trường hợp khẩn cấp quốc gia. Hiện tại không phải bối cảnh khẩn cấp, nếu Việt Nam vẫn cố tình thực hiện, nguy cơ bị trả đũa sẽ là không nhỏ, thậm chí có thể phải đối mặt với những vụ kiện ở tòa quốc tế.
Cùng đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tạo thêm mâu thuẫn về giữa hai vế, một bên là kích cầu cho xe xăng và một bên là nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0 của Việt Nam. Do đó, chính sách giảm lệ phí trước bạ hiện tại chỉ mang tính cục bộ, hoàn toàn không có lợi ích cho toàn cục và chưa hướng tới tầm nhìn dài hạn.