Việt Nam đang muốn tấn công thị trường 5.000 tỷ USD, chiếm 25% dân số thế giới

Dy Khoa |

Ngành công nghiệp này có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai.

- Ngành công nghiệp halal toàn cầu, bao gồm cả sản phẩm và dịch vụ, dự kiến sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2030.

- Đã có đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".

- Tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Zafrul Abdul Aziz cho biết giá trị xuất khẩu ngành halal của Malaysia đạt 54 tỷ ringgit (hơn 11,4 tỷ USD) năm 2023, TTXVN phát tin.

Trong đó, Halal, có thể viết theo cách khác là halaal, một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là "cho phép hoặc hợp pháp". Chứng nhận Halal là xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần, đủ điều kiện trong sản xuất và đáp ứng Tiêu chuẩn Halal.

Ông cho biết ngành công nghiệp halal đóng vai trò quan trọng như chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và lĩnh vực này có tiềm năng phát triển to lớn khi ngành công nghiệp halal toàn cầu, bao gồm cả sản phẩm và dịch vụ, dự kiến sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2030.

Bộ trưởng cho biết chính phủ nước này cam kết tăng số lượng doanh nhân sản xuất các sản phẩm halal và một số cách tiếp cận đã được thực hiện, bao gồm chương trình Mở rộng phát triển ngành Halal Malaysia (JHM) do cơ quan của chính phủ, Halal Development Corp Bhd (HDC) thực hiện.

Việt Nam đang muốn tấn công thị trường 5.000 tỷ USD, chiếm 25% dân số thế giới- Ảnh 1.

Halal toàn cầu, bao gồm cả sản phẩm và dịch vụ, dự kiến sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2030.

Hồi đầu tuần này, Ủy ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam - Malaysia được tổ chức kỳ họp thứ 4 tại Hà Nội. Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz gửi lời mời phía Việt Nam tham dự Triển lãm quốc tế về Halal của Malaysia (MIHAS) vào tháng 9/2024.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng vẫn còn một số nội dung hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Các hoạt động hợp tác xúc tiến, tạo thuận lợi thương mại, hợp tác trong lĩnh vực Halal, lĩnh vực công nghiệp vẫn còn hạn chế.

Hai bên thống nhất hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal trong đó có các khâu nâng cao năng lực chứng nhận Halal, đào tạo về quy trình Halal, khuyến khích doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam sản xuất, chế biến sản phẩm Halal.

Việt Nam đang muốn tấn công thị trường 5.000 tỷ USD, chiếm 25% dân số thế giới- Ảnh 2.

Hiện tiêu chuẩn Halal không thống nhất trên toàn cầu.

Không có một tiêu chuẩn Halal thống nhất

Giữa năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Trả lời báo chí khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng.

Thứ trưởng Ngoại giao nói thêm: Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.

Việt Nam đang muốn tấn công thị trường 5.000 tỷ USD, chiếm 25% dân số thế giới- Ảnh 4.

Các sản phẩm thịt đạt chuẩn Halal cần được tuân thủ quy trình giết mổ.

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam cho biết, đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.

"Không có một tiêu chuẩn Halal thống nhất ở hơn 200 quốc gia có người Hồi giáo sinh sống trên thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn Hồi giáo của các quốc gia khác", ông Cương nêu.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn MS 1500-2029 của JAKIM, sản phẩm chứng nhận sẽ chỉ vào được thị trường Malaysia, bộ tiêu chuẩn HAS 23000 chỉ vào được thị trường Indonesia, bộ tiêu chuẩn GSO 2055-1 do SFDA công bố sẽ đi vào được các nước Trung Đông.

Thực phẩm Halal bao gồm: cá, mật ong, rau tươi hoặc hoa quả khô, sữa (từ bò, cừu, lạc đà và dê), đồ tự nhiên tươi hoặc rau đông lạnh, rau đậu và các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ (Hazelnut)… Các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch đen, yến mạch, lúa mạch… Động vật như bò, cừu, dê, hươu, nai, gà, chim, vịt… là thực phẩm Halal nếu như chúng được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi giáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại