Việt Nam đang giảm dần mua hàng từ Trung Quốc

N.Mạnh |

Một điểm đáng chú ý trong cán cân thương mại năm 2016 đó là sự dịch chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc sang một số nước khác.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2016 đạt 350,7 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 174,1 tỷ USD. Như vậy cả năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,5 tỷ USD.

Năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2016, nhập khẩu từ nước này đạt 49 tỷ USD, chiếm 28,16% tổng kim ngạch, giảm hơn 1% so với năm 2015.

Không chỉ có xu hướng giảm dần so với năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc cũng được thu hẹp dần khi kim ngạch xuất khẩu vào nước này tăng lên.

Việt Nam đang giảm dần mua hàng từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc lại tăng dần với tổng kim ngạch đạt giá trị 32 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2015.

Việt Nam đang giảm dần mua hàng từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Một phần nguyên nhân có thể được giải thích bởi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Hàn Quốc ngày càng lớn.

Tính đến hết 26/12/2016, lượng vốn đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 5,52 tỷ USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nguồn vốn này đòi hỏi một lượng nguyên liệu vật liệu nhập khẩu cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo.

Cụ thể, năm 2016, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 17,7% tổng nhập khẩu từ Hàn Quốc; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 27,5%.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) sự dịch chuyển này hoàn toàn phù hợp với quá trình phát triển.

"Nếu như trước đây, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc do giá cả thì hiện nay, nhập khẩu Hàn Quốc chủ yếu đi cùng với dòng vốn đầu tư các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam", TS. Thành cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại