Việt Nam đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an

Hải Vân-Vũ Hiếu |

Đại diện các nước cho rằng việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Bảo an là thách thức rất lớn, chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 31/1, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020, mở đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021 của Việt Nam.

Phiên họp tổng kết thu hút hơn 100 đại diện quốc gia thành viên, quan sát viên Liên hợp quốc tham dự, trong đó có 23 đại sứ, trưởng phái đoàn.

Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an là tổ chức lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cuộc họp là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của Hội đồng Bảo an nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vai trò của ASEAN trong khu vực và thảo luận các nội dung có thể tăng cường hợp tác hơn nữa giữa Liên hợp quốc và ASEAN.

Việt Nam khẳng định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, sẽ nỗ lực tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai tổ chức, tập trung các lĩnh vực ưu tiên như giải quyết hoà bình các tranh chấp, ngoại giao phòng ngừa, giải trừ quân bị, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hợp tác biển, và an ninh hàng hải.

Nhân dịp này, Việt Nam đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN- Liên hợp quốc về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2020.

Việt Nam đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp tổng kết ngày 31/1. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận đề Hội đồng để ra được các quyết định kịp thời.

Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tin của Liên hợp quốc.

Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam cũng đã tổ chức buổi họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của Hội đồng Bảo an cho các nước thành viên, quan sát viên của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác.

Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và một quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên hợp quốc, một tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.

Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Bảo an là thách thức rất lớn, chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của Hội đồng Bảo an cho các nước không phải thành viên Hội đồng Bảo an, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Một số ý kiến thể hiện mong muốn Hội đồng Bảo an đoàn kết hơn trong giải quyết các thách thức lớn đối với hoà bình và an ninh quốc tế, và các vấn đề cấp thiết mang tính nhân đạo. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Hội đồng Bảo an cải tiến phương thức làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh.

Trước đó, tối 30/1, Đại sứ Đặng Đình Quý , Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức buổi chiêu đãi kết thúc tháng Chủ tịch, cảm ơn các nước thành viên Hội đồng Bảo an, Ban thư ký Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên, quan sát viên Liên hợp quốc và các bạn bè quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công tháng Chủ tịch. Buổi chiêu đãi thu hút hơn 200 đại biểu, trong đó có 37 đại sứ tới dự và chúc mừng Việt Nam.

Tháng 2/2020 Bỉ là nước thành viên tiếp theo đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Ngoài các nội dung thảo luận định kỳ, dự kiến trong tháng 2/2020, Bỉ sẽ tập trung các vấn đề liên quan trẻ em trong xung đột vũ trang, công lý trong giai đoạn chuyển đổi và hợp tác Liên hợp quốc-EU.

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu.

Cả 10 ghế không thường trực Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lý, hiện nay là Estonia, Bỉ, CH Dominica, Đức, Indonesia, Niger, Saint Vincent&Grenadines, Nam Phi, Tunisia và Việt Nam./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại