Nguyên nhân dẫn tới hành động trên của Nga (nếu có) có thể giải thích rằng nước này đã phải chịu áp lực lớn từ phía đối tác cực kỳ quan trọng của mình.
Mặc dù không tồn tại thông tin tương tự trên các hãng truyền thông uy tín như TASS, Sputnik hay Russia Today... và Nga sau đó còn đưa ra tuyên bố rằng khác với Mỹ, không bao giờ có chuyện Nga cấm vận vũ khí Việt Nam, tuy nhiên khả năng trên vẫn chưa thể loại trừ.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp phòng không S-400 trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ
Nếu tình huống xấu nhất xảy ra là Guancha đưa tin chính xác, liệu Nga có tìm cách "lách" để vừa thỏa mãn yêu cầu của Trung Quốc lại vừa không làm mất lòng đối tác quan trọng không kém như Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đang có ý định đa dạng hóa nguồn cung vũ khí?
Trong quá khứ, khi vướng phải lệnh cấm vận dẫn tới không thể chuyển giao các tổ hợp S-300PMU-2 cho Iran, Nga đã đưa ra lời đề nghị cực kỳ hấp dẫn là sẽ thay thế chúng bằng hệ thống phòng không lục quân S-300VM Antey 2500 ưu việt hơn nhưng lại không bị ràng buộc bởi bất cứ điều khoản hạn chế nào.
Tình huống trên liệu có xảy ra một lần nữa với viễn cảnh Nga không bán S-400 cho Việt Nam nhưng lại cung cấp tổ hợp S-300V4 có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội?
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300V4
S-300V4 là phiên bản nâng cấp mới nhất từ S-300VM Antey 2500, chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2014. Khác biệt đáng kể nhất giữa S-300V4 với các đời S-300V trước là hệ thống sử dụng khung gầm xe bánh lốp hạng nặng BAZ hoặc MAZ thay vì bánh xích truyền thống.
Ngoài việc phóng được tất cả các loại đạn cũ hơn như 9M82 và 9M83, S-300V4 đã đưa vào trang bị loại tên lửa đánh chặn thế hệ mới có tầm bắn lên tới 400 km, tức là không hề thua kém 40N6 của S-400.
Mặc dù thông số kỹ thuật chưa rõ ràng, nhưng do đạn 9M82M của S-300VM có tốc độ trung bình cũng đã bằng 85 - 90% vận tốc tối đa của tên lửa 48N6E2/E3, nên nhiều khả năng ưu thế trên vẫn được duy trì ở S-300V4.
Thời gian bay đến mục tiêu ngắn và động năng tiếp cận cao là lợi thế chiến thuật rất đáng kể, khi máy bay hay tên lửa đạn đạo đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh.
Việc Nga quyết định sử dụng xe bánh hơi thay vì bánh xích cũng "đúng sở trường" của Việt Nam hơn, do cấu hình cũ tỏ ra hơi nặng nề, công tác bảo trì bảo dưỡng phức tạp và tốn nhiều kinh phí.
Xe mang phóng tự hành của S-300V4 có hình dáng bên ngoài rất giống với S-400
Tóm lại, nếu thực sự vì chịu áp lực của Trung Quốc mà Nga phải từ chối lời đề nghị đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Việt Nam thì đó cũng không phải vấn đề quá lớn đối với chúng ta.
Thậm chí đây còn chính là cơ hội tốt để Việt Nam sở hữu một tổ hợp phòng không "khủng" hơn, mà trong điều kiện bình thường chưa chắc thương vụ đã diễn ra một cách thuận lợi.