Như thông tin đã đăng tải, hiện nay các nhà máy đóng tàu Việt Nam đang thi công đóng mới nhiều tàu tuần tra cũng như tàu vận tải theo hợp đồng ký kết giữa Venezuela với Tập đoàn Damen.
Cụ thể, lực lượng Hải quân và Tuần duyên của Venezuela sẽ đặt đóng đến 38 tàu, bao gồm 6 tàu tuần tra Stan Patrol 5009, 8 tàu vận tải Stan Lander 5612 (cho hải quân), với lực lượng tuần duyên là 6 tàu tuần tra Stan Patrol 4207 và 18 xuồng tiếp cận Interceptor 1102.
(Nguồn: Facebook Damen Sông Cấm)
Tàu tuần tra SPa 5009 đầu tiên đóng cho Hải quân Venezuela tại nhà máy Sông Cấm. Nguồn: Facebook Damen Sông Cấm
Trong đó, các tàu tuần tra Stan Patrol 5009 và tàu vận tải Stan Lander 5612 được đóng tại nhà máy đóng tàu Sông Cấm (hiện đã hạ thủy 1 tàu SPa 5009), còn tàu Stan Patrol 4207 do Tổng công ty Sông Thu thi công.
Tàu tuần tra SPa 4207 (Nguồn: Damen)
Tuy nhiên những hợp đồng trên đều được ký vào thời điểm năm 2014, khi nền kinh tế của Venezuela chưa bước vào giai đoạn suy sụp.
Còn hiện tại, quốc gia Nam Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn, đáng kể nhất là tình trạng lạm phát phi mã khiến việc tiếp tục những dự án đóng tàu nói trên gần như là bất khả thi đối với Venezuela vào lúc này (chỉ riêng chi phí đóng 6 tàu SPa 5009 đã mất 126,11 triệu Euro).
Tàu vận tải, đổ bộ Stan Lander 5612 do nhà máy đóng tàu Hạ Long đóng cho lực lượng phòng vệ Bahamas (Nguồn: IHS Jane's)
Đối với Tập đoàn Damen, việc bên mua dừng chi tiền để tiếp tục công việc sẽ gây thiệt hại nặng cho họ. Vì vậy giải pháp tối ưu của Damen là phải tìm kiếm khách hàng mới để sang tên những tàu mà Venezuela chưa thanh toán chi phí. Vậy liệu Việt Nam có nên "nhanh chân" chớp lấy cơ hội trên?
Thuận lợi đầu tiên mà chúng ta nên xét tới là khả năng có tàu nhanh. Ngoài chiếc SPa 5009 thứ nhất đã hoàn thiện tại Sông Cấm thì một chiếc khác cũng sắp được hạ thủy. Tại công ty Sông Thu, các tàu SPa 4207 cũng đang được hoàn thiện.
Việc mua lại những con tàu đó sẽ giúp bổ sung nhanh chóng phương tiện mới cho các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam.
Điểm thuận lợi thứ hai là chúng ta có thể đàm phán được mức giá hợp lý hoặc một hợp đồng cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi trong thanh toán. Hiện phía Damen rất cần khách hàng mua lại những con tàu này, cho nên Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi tiến hành thương thảo.
Điểm thuận lợi cuối cùng đó là hỗ trợ cho các cơ sở đóng tàu nội địa. Phần lớn trong số 38 tàu nói trên được đóng tại Việt Nam, nếu chúng ta quyết định mua lại thì đây là sự "cấp cứu" kịp thời, giúp giải quyết khủng hoảng cho các nhà máy trong nước.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo sẽ là lực lượng nào của Việt Nam nên tiếp nhận các tàu này?
Dễ nhận thấy số tàu trên được phân thành 3 loại gồm: tàu tuần tra (SPa 5009, 4207), tàu vận tải đổ bộ (Stan Lander 5612) và xuồng tiếp cận nhanh (Interceptor 1102).
Với 2 mẫu tàu tuần tra, đây là phương án bổ sung thích hợp cho Cảnh sát biển, do Hải quân Việt Nam đã có trong biên chế lớp tàu pháo TT-400TP, việc trang bị thêm chủng loại tàu tuần tra mới là không cần thiết.
Tàu vận tải, đổ bộ Stan Lander 5612 là thiết kế đặc biệt của Damen, loại tàu này không có khả năng vào sát bờ biển mà nó chỉ có thể thả quân ngay trên biển (tức là các xe lội nước phải bơi từ xa vào bờ) hoặc tại những nơi có cầu cảng thích hợp, cho nên chúng thích hợp với vai trò tàu vận tải, dùng để tiếp tế cho các đảo hay căn cứ hải quân ngoài khơi.
Nếu kế hoạch trên được triển khai, năng lực của đội tàu mặt nước thuộc cả 3 lực lượng Hải quân, Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể cả về chất lẫn lượng.