Việt Nam có 9 loại thực phẩm cực tốt cho tiêu hóa, giúp 'giải độc' khi cần: Vừa rẻ vừa dễ kiếm

Ngọc Minh |

Chuyên gia gợi ý 9 loại thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, có thể giúp 'giải độc tiêu hóa' nếu bị ngộ độc ở mức độ nhẹ.

Củ chuối được dùng chữa ngộ độc thức ăn thể nhẹ.

Củ chuối được dùng chữa ngộ độc thức ăn thể nhẹ.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc

Trong những ngày đầu tháng 5/2024, Việt Nam liên tiếp ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP HCM và Đồng Nai khiến cho nhiều em học sinh phải nhập viện, trong đó có một số trẻ tiên lượng nặng.

Tiếp đó, đến chiều 6/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Bình) thông tin về vụ việc gần 20 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm xảy ra tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) nghi ngờ có liên quan tới một bữa cỗ. Theo ghi nhận đã có một trường hợp đã tử vong nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm trong những ngày hè là vấn đề có thể xảy ra với bất cứ gia đình và cá nhân nào. Điều kiện thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…). Ô nhiễm môi trường và hiện trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách… cũng có thể gây ra tình trạng ngộ độc.

Việt Nam có 9 loại thực phẩm cực tốt cho tiêu hóa, giúp 'giải độc' khi cần: Vừa rẻ vừa dễ kiếm- Ảnh 1.

Trường hợp trẻ 13 tuổi ngộ độc thực phẩm đnag điều trị tại BV Nhi Đồng I.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay mùa hè thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ bị vi khuẩn xâm nhập nên rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Với ngộ độc thực phẩm, triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút hoặc thậm chí đến 1-2 ngày. Tuỳ theo mức độ nhiễm độc, loại độc tính trong thực phẩm mà có thể gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần hoặc nặng có thể dẫn đến tử vong.

Với các trường hợp ngộ độc thực phẩm ở mức nhẹ, bị tiêu chảy, đầy bụng, nôn... có thể sử dụng thảo dược dễ kiếm để chữa trị ngay tại nhà hoặc điều trị sơ cứu hỗ trợ cho phương pháp điều trị cấp cứu của y học hiện đại.

Thực phẩm hỗ trợ điều trị ngộ độc tiêu hóa thể nhẹ

Theo bác sĩ Vũ, trong y học cổ truyền có rất nhiều loại cỏ cây, quả, củ có thể được dùng làm thuốc 'giải độc' cấp cứu khi xảy ra ngộ độc nhẹ:

Đậu xanh

Là loại hạt không xa lạ với người Việt, đậu xanh thường được dùng để nấu chè, cháo giúp giải nhiệt. Trong y học cổ truyền, hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát. Đậu xanh là vị thuốc nam dùng chữa ngộ độc thực phẩm bằng cách nghiền hạt sống, hòa với nước, uống thật nhiều để gây nôn ra và giải độc.

Việt Nam có 9 loại thực phẩm cực tốt cho tiêu hóa, giúp 'giải độc' khi cần: Vừa rẻ vừa dễ kiếm- Ảnh 2.

Đậu xanh đứng đầu trong các vị thuốc giải độc tiêu hóa.

Gừng

Bác sĩ Vũ cho biết gừng sống không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhà bếp mà cũng có thể trở thành vị thuốc. Trong y học cổ truyền, gừng sống có vị cay, tính ấm. Gừng tươi chữa dị ứng, mẩn ngứa do ăn cua, cá...

Cách chế biến gừng thành thuốc giải độc như sau: Gừng sống, hành trắng, mỗi vị 15-20g cho vào ấm đậy kín, sắc lấy nước uống nóng.

Riềng

Bác sĩ Vũ cho hay riềng được dùng làm thuốc chữa ngộ độc thức ăn gây đau bụng, nôn nhiều, đại tiện lỏng. Riềng làm thuốc chữa ngộ độc như sau: riềng, gừng khô, củ gấu lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g, ngày uống 3 lần.

Tía tô

Lá tía tô có vị cay, tính ấm, dùng chữa dị ứng mẩn ngứa do ăn cua, cá, sò, thức ăn tanh. Cách dùng như sau: lá tía tô một nắm giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì sát vào chỗ ngứa, kiêng dầm nước và ra gió.

Quả khế

Theo bác sĩ Vũ, quả khế chua thường được dùng nấu canh cá, canh chua và cũng là vị thuốc chữa ngộ độc thức ăn hiệu quả. Khế chua có vị chua, ngọt, tính bình, chữa ngộ độc thức ăn  bằng cách dùng quả khế ép lấy nước uống thật nhiều.

Việt Nam có 9 loại thực phẩm cực tốt cho tiêu hóa, giúp 'giải độc' khi cần: Vừa rẻ vừa dễ kiếm- Ảnh 3.

Khế chua giúp chữa ngộ độc (ảnh minh họa)

Tỏi

Trong y học cổ truyền, tỏi là vị thuốc có vị cay, tính nóng, chữa ngộ độc gây tiêu chảy. Dùng tỏi 100g sắc với 300ml, còn 100ml cho uống.

Thì là

Bác sĩ Vũ cho hay thì là ngoài được dùng làm rau gia vị cho vào các món ăn có vị tanh thì còn giúp giải độc tiêu hóa, chữa nôn, đầy bụng, dùng hạt thì là 3-6g nhai nuốt.

Đậu ván trắng

Hạt đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn được dùng chữa ngộ độc thức ăn gây nôn mửa, tiêu chảy. Dùng bài thuốc gồm: đậu ván trắng 20g, hương nhu 16g, hậu phác 12g, sắc uống.

Củ chuối

Trong y học cổ truyền củ chuối có vị ngọt, tính lạnh. Để chữa ngộ độc thức ăn, lấy củ chuối tiêu thái miếng cho đầy nồi, đổ ngập nước, nấu với 40g muối, lấy 0,5 lít nước sắc uống để gây nôn.

Bác sĩ Vũ lưu ý khi điều trị ngộ độc tiêu hóa nhẹ tại nhà thì cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo cần đi viện ngay:

- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội

- Nôn mửa thường xuyên, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, nước tiểu có máu

- Sốt cao hơn 38,9°C

- Các dấu hiệu mất nước nặng (mắt trũng, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu,..)

- Cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tụt huyết áp...

- Thể trạng yếu: người già, trẻ nhỏ, giảm miễn dịch

- Nhiều người bệnh cùng lúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại