Từ ngàn đời xưa, có một thức uống truyền thống mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho người dân xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đó là món rượu đoác. Đây cũng là thứ rượu duy nhất trên thế giới được lấy trực tiếp từ trên cây mang về uống mà không cần qua chế biến.
Đây là món đồ uống không thể thiếu trong những ngày hội lớn, lễ, tết, cưới hỏi cũng như trong đời sống thường ngày của người dân xã Ngọc Tem. Chính vì thế, nó mang đậm bản sắc văn hóa núi rừng nơi đây.
Rượu đoác được lấy ra từ thân cây đoác (hay còn gọi là cây tà vạt), sau đó ngâm với vỏ cây chuồn phơi khô. Ngoài ra rượu không hề thêm chút hóa chất nào.
Vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 trong năm, những cây đoác trên rừng bắt đầu trổ hoa. Tuy nhiên người dân phải đợi đến khi hoa già, sau đó cắt bỏ phần hoa và chừa lại phần cuống dài khoảng tầm 2 gang tay để không bị kết trái thì mới lấy được rượu.
Để lấy được rượu đoác cũng không hề dễ dàng. Trên đường đi sẽ phải băng qua những con dốc dựng đứng đầy sỏi đá sắc nhọn, những bụi rậm đầy vắt rồi mới vào được rừng đoác. Những cây đoác cao lớn, trên đó là những giọt rượu đang nhỏ vào các ống lồ ô dài khoảng 4m. Vì hoa của cây đoác mọc khá cao nên người dân sẽ lấy hai thanh gỗ bắc ngang để trèo lên. Khi lên đến ngọn, họ dùng cây chổi được làm từ cọng lá đoác để xua đuổi ong vò vẽ.
Sau khi đuổi được ong, người dân bắt đầu mở dây thừng cột ống lồ ô ra rồi chuyển xuống bên dưới. Người ở phía dưới sẽ nắm chặt đầu ống, gác lên một hòn đá cao và dốc ngược xuống để dễ dàng chắt được rượu. Sau khi đổ hết rượu vào can, người dân sẽ lấy nước lọc rửa cho sạch ống lồ ô rồi lại đưa lên trên để tiếp tục hứng rượu. Lúc này người ở trên sẽ cắt một lát mỏng chừng 5mm ở cuống hoa rồi dùng dao khứa nhẹ vào. Khi vừa cắt xong, bạn sẽ nhìn thấy vài giọt rượu ứa ra. Đợi cho đến khi rượu chảy thành dòng, người dân dùng lá thốt nốt cắt thành hình mũi tên để dẫn rượu chảy vào trong ống và cột lại cẩn thận trên thân cây.
Theo người dân ở đây, ngày nào cũng phải cắt hoa để tránh bị hư và cây đoác mới cho ra rượu. Mỗi cây đoác từ 4 - 5 năm thường sẽ cho rượu trong 3 - 4 tháng. Cây sẽ nghỉ một thời gian và sau đó mới có thể cho rượu tiếp.
Khi vừa lấy rượu xong từ thân cây đoác, người dân thường sẽ uống ngay dưới gốc cây để thưởng thức hương vị tươi ngon nhất. Rượu đoác không trong mà có màu trắng đục giống như nước dừa và hương thơm rất dịu. Tuy nói là rượu nhưng khi uống vào thì hoàn toàn không có vị cay hay đắng thường thấy mà hơi ngọt và rất thanh mát. Theo lời của người dân nơi đây, rượu Đoác rất dễ uống nên dù là thanh niên hay phụ nữ thì cũng đều có thể thưởng thức. Hơn nữa, loại rượu này còn có tác dụng giải nhiệt, an thần nên người uống vào sẽ ngủ rất ngon.
Trước đây, rượu đoác chỉ được người dân bản xứ và khu vực xung quanh biết đến. Ngày nay, nhờ hương vị thơm ngon, độc đáo, rượu đoác trở thành một đặc sản mà du khách nào cũng muốn mua một ít về làm quà cho người thân khi đến với xã Ngọc Tem (Kon Tum). Hơn nữa, đặc sản này lại vô cùng rẻ, chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, rượu Đoác rất dễ bị hư hỏng nên chỉ dùng được trong khoảng từ 1 - 2 ngày. Nếu cho vào tủ lạnh thì cũng chỉ có thể bảo quản đến ngày thứ 5 là sẽ bị chua. Chính vì vậy, nhiều du khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng mặc dù rất thích nhưng sợ rượu hư nên cũng không dám mua về. Vậy nên nếu có dịp được ghé đến xã Ngọc Tem, bạn hãy tranh thủ thưởng thức rượu Đoác ngay tại làng để có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món đặc sản này nhé!