Việt Nam có 1 lĩnh vực "hot", nhiều DN hàng đầu thế giới muốn tham gia: Nga khẳng định không đứng ngoài cuộc

Minh Hằng |

Lĩnh vực này ở Việt Nam rất tiềm năng và Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ tập đoàn hàng đầu thế giới của nước này hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP

Lĩnh vực này là điện gió ngoài khơi. Trong bối cảnh hiện nay, các nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và giá cả leo thang, nên phát triển năng lượng bền vững đang là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Không nằm ngoài xu thế này, việc phát triển các loại hình năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Việt Nam. Đặc biệt, trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo Ngân hàng thế giới (WB) và Cơ quan năng lượng Đan Mạch, với bờ biển dài hơn 3.400 km và đặc điểm gió dồi dào, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475 GW. Đặc biệt, chất lượng gió tốt nhất của nước ta tập trung tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, một phần duyên hải Bắc Bộ.

Chiều 20/6 vừa qua, trong cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, hợp tác dầu khí – năng lượng là trụ cột quan trọng của hợp tác kinh tế Việt – Nga. Thủ tướng đề nghị có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả những dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của liên doanh Vietsovpetro và các doanh nghiệp dầu khí của Nga như Zarubezhneft, Gazprom tiến hành mở rộng vùng hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam và Nga nhất trí về việc mở rộng hợp tác sang lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch và tái tạo, bao gồm điện gió ngoài khơi, để đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam có 1 lĩnh vực "hot", nhiều DN hàng đầu thế giới muốn tham gia: Nga khẳng định không đứng ngoài cuộc- Ảnh 2.

Tổng thống Putin ủng hộ sớm triển khai một số dự án quy mô lớn của Nga ở Việt Nam, trong đó có năng lượng tái tạo. Ảnh: VGP

Đặc biệt, Tổng thống Valadimir Putin bày tỏ ủng hộ sớm triển khai một số dự án quy mô lớn của Nga về hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường tàu nội đô, tàu điện ngầm và nhất là năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tổng thống Putin ủng hộ về việc tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp của hai nước tiến hành mở rộng, cũng như đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh hiệu quả trên lãnh thổ của nhau.

Trước đó, trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân tối 19/6 trước chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá năng lượng chính là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lượng trong hợp tác song phương.

Trước Nga, nhiều "cái tên" hàng đầu muốn phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

Việt Nam có 1 lĩnh vực "hot", nhiều DN hàng đầu thế giới muốn tham gia: Nga khẳng định không đứng ngoài cuộc- Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới muốn phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện gió ngoài khơi có thể tạo ra hơn 18 lần nhu cầu điện toàn cầu hiện nay, nếu như các chính phủ và ngành công nghiệp hợp tác cùng nhau để đẩy nhanh việc triển khai.

Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có nhiều tiềm năng to lớn. Trước Nga, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới muốn hợp tác điện gió ngoài khơi ở nước ta.

Theo đó, đầu tháng 11/2023, phái đoàn bao gồm 14 doanh nghiệp của Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo đã đến Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác và đầu tư. Ông Denzel Eades, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện gió ở Việt Nam và những bước tiến về chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này.

Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam, cũng nhắc lại về cam kết của Chính phủ nước Anh trong việc trở thành đối tác chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, thông qua những sáng kiến song phương và đa phương. Đơn cử như Chương trình Quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) được kỳ vọng là sẽ điều phối 15,5 tỷ USD để hiện thực hóa về quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Trên thực tế, Anh là thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Tính đến hết năm 2023, thế giới có 75,2 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt. Trong đó, Anh có 13,6 GW, chiếm 20%.

Việt Nam có 1 lĩnh vực "hot", nhiều DN hàng đầu thế giới muốn tham gia: Nga khẳng định không đứng ngoài cuộc- Ảnh 4.

Ngày 3/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Robert Helms, thành viên HĐQT Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners. Ảnh: VGP

Ngoài Anh, một tập đoàn điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới của Đan Mạch cũng sớm đầu tư vào Việt Nam. Đó là Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP).

Ngày 3/12/2023, trong chương trình làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, thành viên HĐQT của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch).

CIP là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính ở Đan Mạch. Hiện nay, tập đoàn hàng đầy này đã phát triển và quản lý 50 GW, tương đương với 28 tỷ USD tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Đức... CIP cũng có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Tại Việt Nam, Copenhagen Infrastructure Partners đã thành lập một công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để tiến hành nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.

Trên thực tế, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt 146.644 -150.489 MW và định hướng đến năm 2050 là 490.529 - 573.129 MW.

Trong đó, nước ta sẽ phát triển điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (13,8%) vào năm 2030 và lên đến 77.050 MW (13,4%) năm 2050; điện gió ngoài khơi đạt 6.000 MW (3,8%) năm 2030 và lên đến 91.500 MW (16,0%) vào năm 2050.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại