Lưới lửa diệt tên lửa hành trình và máy bay bám địa hình hiệu quả
Trong chiến tranh hiện đại, kẻ địch thường sử dụng những đòn tập kích đường không bằng tên lửa hành trình, máy bay ném bom bay bám địa hình bất ngờ dùng vũ khí có điều khiển chính xác đánh vào những mục tiêu quân sự, dân sự quan trọng.
Do vậy, phòng tránh, đánh trả thành công là yếu tố tiên quyết để đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch.
Bên cạnh lưới lửa phòng không tầng trung - cao của tên lửa và không quân tiêm kích, các tổ hợp pháo phòng không hoặc pháo - tên lửa tầm thấp sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu diệt các phương tiện tiến công đường không.
Càng cơ động và triển khai nhanh bao nhiêu thì việc đón lõng, phục kích tiêu diệt các mục tiêu bay thấp càng hiệu quả bấy nhiêu. Qua đó, giúp chuyển hóa nhanh thế trận, không cho địch làm "mềm chiến trường" để có cơ hội tung lục quân vào tham chiến.
Rõ ràng, chi phí chế tạo tương đối thấp, xác suất diệt mục tiêu cao, chi phí cho mỗi phát bắn thấp, kể cả trong trường hợp bắn bằng tên lửa phòng không tầm thấp Igla.
Phiên bản nâng cấp pháo cao xạ tầm thấp ZU-23-3 lên chuẩn Zu-23/30 M1-3 của Nga với 2 tên lửa Igla-S.
Bởi lẽ, trong trường hợp mục tiêu không có các hệ thống phòng vệ thì xác suất trúng đích của tên lửa Igla vào khoảng 30-48%, tức là cứ hơn 2 quả tên lửa có thể hạ 1 mục tiêu.
Kể cả trong trường hợp bị gây nhiễu, xác suất trúng đích của dòng tên lửa tiên tiến Igla cũng chỉ giảm xuống còn 24-30%, tức là cứ bắn 3-4 quả đạn sẽ diệt 1 mục tiêu.
Có thể làm phép tính thế này: bắn 3-4 quả tên lửa Igla trị giá cỡ 100.000 USD ta có thể diệt được 1 tên lửa hành trình trị giá hàng triệu USD hoặc máy bay chiến đấu hiện đại của đối phương trị giá hàng chục cho tới hàng trăm triệu USD.
Chưa kể, các phiên bản tên lửa Verba tiên tiến của Nga còn có vùng diệt mục tiêu và xác suất trúng đích cao hơn nữa. Tuy nhiên, ta tạm bằng lòng với những vũ khí "nhà trồng được", đó là tên lửa Igla cải tiến và sản xuất theo yêu cầu của Việt Nam.
Khi có điều kiện ta sẽ thay bằng loại tên lửa mới cũng không muộn.
"Một đổi 10, 100, thậm chí đổi 1.000" một cái giá quá hời. Chính điều đó cho thấy việc phát triển hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm thấp cơ động của Việt Nam là một ý tưởng có giá trị thực tiễn rất cao.
Đấy là nói về hiệu quả tác chiến, ngoài ra còn phải kể đến hiệu quả răn đe nữa.
Khi lưới lửa phòng không đa tầng trong thế trận phòng không nhân dân khép kín bằng nhiều loại radar, tên lửa, pháo - tên lửa phòng không hiện đại, cơ động nhanh, có thể buộc đối phương phải cân nhắc rất kỹ trước khi phát động chiến tranh.
Nếu vẫn thực hiện dã tâm xâm lược nước ta, chắc chắn chúng sẽ phải chuốc lấy hậu quả rất khủng khiếp.
Khung gầm xe tải việt dã Kamaz-43118 đã giành được sự tin cậy của Việt Nam và gần đây được nhập về khá nhiều.
Những ưu thế sẵn có
Kamaz-43118 khỏe, việt dã tốt, là khung gầm hoàn hảo xe cơ sở đã được các kỹ sư tài hoa của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đánh giá rất kỹ, chứng minh được hiệu quả cao trong chiến đấu qua các dự án cải tiến.
Khung gầm xe Kamaz-43118 hiện đang được Quân đội Nga sử dụng rất phổ biến và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Lợi thế của dòng xe này là hoạt động tin cậy, ổn định, tương đối tiết kiệm nhiên liệu (chỉ khoảng 26 lít/100km ở tốc độ ổn định 60km/h). Trên đường nhựa, xe có thể chạy với tốc độ tới 90km/h.
Kamaz-43118 kế thừa và phát huy cao nhất khả năng cơ động trên mọi địa hình của các dòng xe vận tải quân sự 3 cầu chủ động Nga. Động cơ diesel tăng áp công suất tới 300 mã lực, mô men xoắn cao ở vòng tua thấp, tạo ra sức mạnh việt dã vô địch của nó.
Pháo phòng không tầm thấp ZU-23-3 cỡ nòng 23mm hiện đang có trong biên chế của Quân đội Việt Nam với số lượng lớn, đa phần đang được niêm cất, có thể nhanh chóng đưa vào nâng cấp.
Hiện nay, Quân đội ta đã triển khai thành công một số phiên bản pháo ZU-23-2 nâng cấp, được đánh giá rất cao. Cụ thể:
- Pháo ZU-23-2M do Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) nghiên cứu chế tạo với nhiều ưu điểm như gọn, nhẹ, chỉ cần 1 pháo thủ, có thể dùng cho cả nhiệm vụ phòng không, đánh mục tiêu trên mặt biển, trên bộ.
Pháo ZU-23-2M do Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Pháo được tự động hóa hoàn toàn với hệ thống cơ điện và điều khiển hỏa lực tiên tiến kết hợp cùng máy đo xa laser và xử lý ảnh hồng ngoại, giúp cho pháo thủ quan sát, xác định cự ly mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển pháo, kính ngắm theo phần tử bắn.
Điều này đảm bảo nâng cao hiệu suất chiến đấu, tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu cả trên không và trên biển trong bất kể điều kiện ngày và đêm. Pháo hoàn toàn có thể chuyển từ khung gầm xe tải việt dã Zil-131 sang xe Kamaz-43118 đời mới.
Khi đưa vào biên chế, loại pháo mới này tạo ra sự thay đổi rất lớn về chất, phục vụ tốt cho tác chiến trên hướng biển, đảo.
- Pháo ZU-23-2M do Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) chế tạo được trang bị hệ thống chân chống thủy lực tự hành đồng bộ, điều khiển bằng điện, giúp xe, pháo có khả năng triển khai nhanh, có độ ổn định cao đáp ứng yêu cầu tác chiến.
Pháo ZU-23-2M do Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) chế tạo.
Lắp đặt pháo trên xe cũng giảm tối đa sức lực của cán bộ, chiến sĩ khi triển khai và thu hồi pháo.
Tên lửa phòng không tầm thấp Igla đã được Việt Nam chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa cao (tới 70-80% và sẽ còn được nâng cao hơn nữa) và sản xuất thành công với số lượng lớn.
Với những thành công đã đạt được với việc nâng cấp pháo phòng không ZU-23-2, việc tiến tới tích hợp thêm tên lửa phòng không tầm thấp như Igla hay thậm chí là Verba mới nhất (có thể nhập khẩu từ Nga), sẽ không còn xa nữa.
Có thể nói, nếu được trang bị các tổ hợp radar cảnh báo sớm/dẫn bắn kết hợp cùng hệ thống ngắm bắn quang truyền hình và ảnh nhiệt hiện đại, chắc chắn trong tương lai gần Việt Nam sẽ sở hữu loại hỏa lực phòng không tầm thấp cơ động cực nhanh, uy lực chiến đấu cao.