Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng về cả lượng và chất trong những năm qua. Ảnh: Bloomberg
Theo báo cáo của công ty tư vấn kinh tế quốc tế IEC, kể từ khi hội nhập nền kinh tế toàn cầu vào đầu những năm 1990, Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, khi đề cập tới câu chuyện thành công của các nền kinh tế được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là một ví dụ nổi bật.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 hay các biến động khác của thế giới, Việt Nam đã ghi nhận sự "bùng nổ" của FDI.
Dòng vốn này, với sự gia tăng về cả lượng và chất, đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Những dấu mốc kỷ lục
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu mốc kỷ lục. Theo Báo điện tử Chính phủ, tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam năm 2008 (tính đến 19/12) đạt 64.011 tỷ USD.
Trong khi đó, theo "Báo cáo FDI 2016" công bố trên ấn phẩm fDi Intelligence, vào năm 2015, Việt Nam đã đứng thứ 5 thế giới về FDI khi tính theo số lượng dự án và đứng thứ 4 khi xét về tổng vốn đầu tư (chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia).
Báo cáo này cũng ghi nhận Việt Nam có chỉ số hiệu quả FDI cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi giai đoạn 2014-2015.
Kể từ đó tới nay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có xu hướng gia tăng trong dài hạn, dù trải qua một số biến động trong ngắn hạn.
"Đỉnh" mới được thiết lập vào năm 2019, ngay trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ, với hơn 38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù mức này vẫn thua xa con số 64 tỷ USD của năm 2008 nhưng xét trong bối cảnh của năm 2019, đây được coi là con số vô cùng ấn tượng.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TTXVN
Bước sang năm 2021, bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tiếp tục lập "đỉnh" mới về FDI, với 38,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2022, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia đầu tư tại Việt Nam, nâng tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD. Trong đó, mức vốn FDI thực hiện (vốn giải ngân) đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).
Đáng nói, trong số này, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao đã được tăng vốn với quy mô lớn. Điển hình như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần: Tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD...
Mới đây nhất, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ, tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm 2023.
Singapore hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,21 tỷ USD (gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ). Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD (tăng 53,5% so với cùng kỳ...).
Nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ cũng đã/đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Mặc dù còn nhiều thách thức phải giải quyết nhưng theo hãng tin Sputnik (Nga), Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng trở thành "cường quốc" về FDI.
Đối thủ lớn của 'gã khổng lồ' châu Á
Trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang phải cạnh tranh với một đối thủ rất mạnh, đó chính là Ấn Độ.
Lợi thế của Ấn Độ là lao động giá rẻ với số lượng lớn, chi phí sản xuất thấp, môi trường cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi người dân nước này lại có xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ.
Ấn Độ còn là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, đồng thời được dự đoán sẽ trỗi dậy, vượt Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới (xét theo bảng xếp hạng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF).
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh với Ấn Độ trong việc thu hút nguồn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Tuy nhiên, hiện tại Ấn Độ vẫn "chưa phải mối đe dọa đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam".
Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: EAF
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết, các tập đoàn đa quốc gia khác đang đầu tư vào Ấn Độ chủ yếu là để sản xuất các sản phẩm dành cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa. Mục đích của họ rất khác so với khi đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, gần như tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đều nhằm mục đích xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu).
Trong khi đó, Ấn Độ đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng thị trường nội địa. Vì vậy, các công ty đa quốc gia đầu tư vào nước này nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, thay vì coi đó là cơ sở sản xuất để xuất khẩu. Ví dụ, động lực để Apple đầu tư vào Ấn Độ là để đáp ứng nhu cầu nội địa đang tăng cao.
"Việt Nam đang theo đuổi 'Mô hình phát triển Đông Á'. Đây cũng là cách tiếp cận mà các nền kinh tế được ví như Con hổ của châu Á đã vận dụng để trở nên giàu có. Trong chiến lược tăng trưởng kinh tế này, Việt Nam tập trung vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác " - Ông Kokalari nêu quan điểm.
Theo giới chuyên gia, Ấn Độ chưa phải mối đe dọa đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ảnh: Financial Express
Cũng theo vị chuyên gia, so với Việt Nam thì có 2 lý do chính khiến các công ty lựa chọn không đầu tư nhiều vào Ấn Độ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đó là lực lượng lao động (bao gồm trình độ) và luật lao động khắt khe. Việt Nam hiện đã tăng 12 bậc so với năm 2021 trong bảng xếp hạng "mức độ thuận lợi kinh doanh" của Economist Intelligence Unit (EIU).
"Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không cho rằng Ấn Độ có thể gây cản trở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Chúng tôi tin rằng FDI vẫn sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới" - Ông Kokalari nhận định.
Trong khi đó, theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), Ấn Độ và Việt Nam có các chiến lược phát triển khác nhau do điều kiện kinh tế khác nhau. Nếu New Delhi coi việc thu hút đầu tư nước ngoài là cốt yếu đối với chiến lược phát triển của mình thì nước này thậm chí có thể tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam ở một mức độ nhất định.
" Trước năm 2020, từng có cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu Việt Nam hay Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo của thế giới.
Giờ đây tình hình đã rõ ràng khi ngành sản xuất của Việt Nam đã cho thấy rõ khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng cao trong thời kỳ đại dịch.
Một lý do quan trọng đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam là chính sách đầu tư nước ngoài thân thiện " - Thời báo Hoàn Cầu kết luận.