24 giờ, trừ những lần bác sĩ vào thăm khám, tôi dường như chỉ có một mình. Không mặt trời, không bóng người, không rõ ngày hay đêm,… nhiều lúc nằm trên giường, đọc tin tức đâu đó về Covid-19, tôi lại dâng lên nỗi sợ cái chết.
Gia đình tôi gọi điện liên tục. Qua điện thoại, tôi nghe tiếng vợ vừa khóc vừa trách, rồi cầu nguyện: "Phải bình an, phải quay lại Mỹ…". Bà ấy nằng nặc đòi bay sang Việt Nam buộc tôi phải ngăn: "Một người bị là đủ rồi". Vợ oà lên nức nở khiến tôi cũng mếu máo khóc theo.
Nếu chết, điều tôi tiếc nuối nhất có lẽ là đã cãi nhau với bà ấy. Hồi đầu tháng Chạp, khi tôi quyết định về Việt Nam, bà ấy một mực cản. Nhưng tôi cứng đầu lắm, cuối cùng bà chịu thua.
Giờ thì tôi chỉ ước được gặp lại gia đình!
Ông Tạ Kiên Hoà (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) là bệnh nhân thứ 7 được phát hiện dương tính virus corona tại Việt Nam và cũng là bệnh nhân cao tuổi nhất nhiễm loại virus này đến nay. Sau 21 ngày cách ly, điều trị tại Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chiều 21/2, ông chính thức xuất viện.
Giây phút trở về từ cõi chết, ông Hoà đã không khỏi xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đối với ông, Việt Nam đã điều trị nCoV bằng một liều thuốc vô cùng đặc biệt mà ông vẫn tâm đắc: "Tôi đã trúng tấm vé số may mắn nhất thế giới…"
***
Ông Hoà là bệnh nhân nhiễm Covid-19 lớn tuổi nhất tại Việt Nam đến nay. Ảnh: Vietnamnet.
Ở Mỹ hơn 40 năm, nhưng Tết nào cũng vậy, cứ giữa tháng Chạp là tôi lại về Việt Nam.
Bên Mỹ, Tết như không vậy. Nếu nó rơi đúng vào cuối tuần thì tôi còn có cơ hội tụ tập cùng con cái, còn không thì tụi nó vẫn đi làm, các cháu đến trường, mình tôi côi cút chăm vài chậu cúc, kho nồi thịt… Thế là hết!
Hôm nghe tin tôi quyết định về Việt Nam, bà nhà tôi ngăn dữ lắm! Phần bà lo sức khoẻ tôi yếu, phần bà muốn gia đình ăn Tết một năm bên Mỹ. Hai chúng tôi cự cãi lớn, nhưng cuối cùng bà vẫn chịu thua cái tính cứng đầu của tôi.
15 tháng Chạp, tôi bay về Việt Nam. 16 tháng Chạp thì quá cảnh ở Vũ Hán 120 phút. Lúc đó, sân bay đông nghịt, trên tivi người ta đưa tin lác đác về dịch bệnh "lạ" rồi khuyến cáo rửa tay, đeo khẩu trang nơi đông đúc. Tôi sợ nên không dám bước chân ra khỏi khu vực quá cảnh.
Mùng 1 Tết, tôi lên cơn ho đầu tiên. Suốt đêm đó, cổ tôi như bị xé toạc, trằn trọc mãi không ngủ được. Qua hôm sau thì cơn ho nặng hơn, kéo theo cả đờm, khó thở rồi chán ăn. Dịp Tết nên phòng khám đã đóng cửa hết rồi, tôi đành đi loanh quanh tìm mua ít thuốc hạ sốt uống tạm.
120 phút quá cảnh tại Vũ Hán khiến ông Hoà nhiễm virus.
Đến mùng 7, lúc xuống cầu thang thì tôi loạng choạng té. Cô tiếp tân nhìn sắc mặt sạm đen của tôi mới hỏi:
"Chú có sao không?"
"Tui ho mấy ngày nay rồi" - tôi nói không ra hơi.
Nghe xong, cô tiếp tân nghĩ gì đó liền xin được xem giấy tờ quá cảnh của tôi. "Bữa chú về, chú quá cảnh ở đâu Trung Quốc vậy?" - cô hỏi tiếp.
"Vũ Hán…"
"Cháu nghĩ chú có triệu chứng như dịch bệnh bên đó, chú có muốn cháu đưa chú đi xét nghiệm?"
Mấy hôm nay, ngày nào truyền hình cũng ra rả về dịch bệnh "lạ" ở Vũ Hán, tình hình căng thẳng đã lan sang cả Việt Nam, nhưng tôi thì chưa bao giờ nghĩ mình xui xẻo đến vậy.
"Chú quá cảnh có 2 tiếng, mà 16 tháng Chạp thì chưa có dịch nữa. Nhiễm con virus ấy thật thì chắc chú trúng độc đắc mất" - tôi cười, đáp cô tiếp tân.
Đến chiều, lúc tôi ngồi ăn cháo thì cơn ho ập đến. Vừa húp xong muỗng đầu tiên, tôi đã ho rũ rưỡi. Cô tiếp tân hốt hoảng, gọi xe cứu thương đưa tôi thẳng vào BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM làm đủ xét nghiệm, test máu, lấy sinh hiệu… rồi đẩy tôi vào phòng áp lực âm, cách ly ngay lập tức.
Hoang mang, tôi liên tục hỏi mình mắc bệnh gì, tại sao bị "nhốt" ở đây? Các bác sĩ chỉ mỉm cười, động viên: "Không sao đâu chú. Chú bệnh nặng nên tụi cháu phải để chú ở đây chăm sóc kỹ hơn". Thực sự, từ lúc vào căn phòng này, tôi đã hiểu mình nhiễm nCoV, nhưng bác sĩ giấu bệnh vì không muốn tôi suy sụp.
Mỗi ngày, mở mắt ra là truyền nước biển, lấy sinh hiệu, thử máu, nước tiểu, phân... rồi tôi ăn, nằm và thiếp đi. Tôi không sốt, nhưng cơn ho thì càng thêm dữ dội. Có ngày tôi ho đến nghẹt thở, bác sĩ buộc phải kéo máy hỗ trợ ô-xy. Họ ở cạnh tôi liên tục, khuyên tôi cố ăn. Tôi cầm cự nuốt vài muỗng cháo như nuốt sạn rồi lại nằm vật ra giường.
Các bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt và ông Hòa (áo hồng) trong ngày ra viện.
nCoV là gì? Chúng đang chiếm hữu tôi như thế nào? Tôi chẳng hề biết gì cả. Mỗi ngày, đọc được tin tức đâu đó về số lượng người nhiễm bệnh, tôi lại dâng lên nỗi sợ cái chết.
Gia đình tôi gọi về Việt Nam, họ khóc không ngừng. Có hôm, vợ tôi còn nằng nặc đòi về nước, tôi ngăn: "Một người bị là đủ rồi" thì bà trách: "Đấy, tôi đã cản ông về Việt Nam", rồi cầu nguyện: "Phải bình an, phải quay lại Mỹ với tui…".
8 ngày trong phòng áp lực âm như nhốt mình trong cái lò vậy. Bác sĩ không bật máy lạnh để tạo môi trường diệt virus, tôi chỉ có thể nằm dưới chiếc máy quạt quay òng òng ngày đêm. Nhưng vào đỉnh trưa thì vẫn nóng.
Đều đặn sáng chiều, bác sĩ mặc đồ phòng hộ vào thăm khám. Mỗi lần nhìn họ tròng bộ đồ dày cộm, bin bức từ đầu tới chân để vào "cái lò" thăm tôi, tôi lại liên tưởng họ như mớ giấy bạc nằm trên lửa vậy. Mồ hôi họ túa ra như tắm, hơi nước che mờ cả lớp kính bảo hộ, nhưng vẫn nấn ná ngồi 3-4 tiếng đồng hồ để động viên tôi phải sống.
Trong số các y bác sĩ, điều dưỡng Vũ Hoàng Đức là bạn thân nhất của tôi. Cậu còn trẻ, chỉ vừa 24, nhưng nhiệt tình và vui tính lắm! Tôi nhớ, có đêm tôi bảo thèm ăn bánh tét lạc của người Hoa, thế là Đức chạy đi khắp quận 5, quận 6 để tìm mua cho tôi bằng được.
Đức đem bánh vào phòng, chúng tôi ngồi trên giường, tôi ăn, cậu pha trò chọc cười, mồ hôi đã ướt sũng trong lớp áo bảo vệ. Nhìn cậu bé chịu đựng vì tôi như thế, tôi càng thêm xúc động.
Với ông Hòa, liều thuốc tinh thần mà các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mang lại đã giúp cứu sống ông.
Sau 9 ngày "chiến đấu", cuối cùng bác sĩ cũng chuyển tôi xuống phòng cách ly. Được nhìn thấy mặt trời, biết ngày biết đêm, đọc báo, xem TV, gọi điện cho người thân… tôi khoẻ hẳn.
21 ngày sau thì tôi ra viện. Hôm đó, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nắm tay đưa tôi ra khỏi khu cách ly, ai cũng bịn rịn không buông. Lúc chia tay, có người hỏi: "Bị bệnh nặng, ở viện một mình, ông có buồn không?", tôi liền đáp: "Không! Tôi vui lắm!".
Biết sao không? Vì tôi là ông lão may mắn nhất thế giới này! Tôi chỉ quá cảnh Vũ Hán 120 phút, vào ngày 16 tháng Chạp khi dịch bệnh Covid-19 vừa bắt đầu, vậy mà tôi bị nhiễm thật.
Và may mắn hơn là tôi được về Việt Nam, được mọi người chăm sóc như một người thân trong gia đình. Lần này, vượt qua cửa tử, tôi nghĩ không chỉ nhờ thuốc, chế độ dinh dưỡng, mà còn ở tất cả tình yêu của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM - những liều thuốc tinh thần tôi mãi không quên.
Bấy nhiêu ngày ông Tạ Kiên Hoà bị cách ly, thì khách sạn Triền Hân (Q.3, TP.HCM) - nơi ông Hoà cư ngụ trước đó, cũng rơi vào tình trạng đóng băng hoàn toàn. Từ mùng 7 Tết, anh Nguyễn Thăng Tĩnh (41 tuổi, quản lý) đã không còn đếm xuể bao nhiêu cuộc gọi huỷ phòng qua điện thoại.
Dưới sảnh khách sạn, vali hành lý đã đóng gói sẵn, nhưng chủ nhân thì vẫn mãi chưa quay lại. "Có khách đi hơn tháng rồi, khách sạn gọi về lấy đồ đạc thì họ hẹn đến tháng 5 tháng 6 gì đó mới dám nhận…" - anh Tĩnh cười bảo.
Anh Tĩnh mãi nhớ về 21 ngày tự cách ly của cả mình và cả khách sạn.
Nhớ lại ngày xảy ra sự việc, anh Tĩnh kể: Mùng 7 Tết, nhận tin báo về tình hình sức khoẻ của ông Hoà, anh nhanh chóng đưa ông đi xét nghiệm và cách ly.
"Lúc đó, bác Hoà sợ hãi, nhất quyết không chịu đi nên chị dọn phòng phải đứng ra cùng bác vô xét nghiệm. Hai ngày sau có kết quả, chúng tôi tự động cách ly toàn bộ nhân viên, thông báo ra ngoài để mọi người đeo khẩu trang khi đi qua hẻm".
Hơn 20 ngày, 18 con người tự "nhốt" trong khách sạn để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Hằng ngày, họ cùng nhau sát khuẩn, tập thể dục, đo thân nhiệt, chăm sóc nhau như một gia đình. Bị cách ly, thiếu lương thực, họ viết thư gửi ra ngoài để nhờ giúp đỡ hoặc gọi điện cho người thân mang tới.
"Đáng sợ nhất là khi viện Pasteur chưa có kết quả xét nghiệm thì trên mạng xã hội đã xuất hiện đầy đủ tin thêu dệt khiến chúng tôi càng hoang mang. Người ta đi qua, nhìn chúng tôi như một ổ dịch, rồi dặn dò người thân tránh xa, hàng quán đóng cửa. Hơn 20 ngày, chúng tôi phải tự cố gắng động viên nhau vượt qua…"
Hơn cả virus corona, các nhân viên khách sạn chịu nhiều sự kỳ thị từ mọi người.
"Có hôm chị em đặt đồ ăn trên mạng, vừa mới ghi địa chỉ thì shipper đã bảo: 'Chỗ đó có dịch ai mà giao'. Bao nhiêu cuộc gọi của khách, tiệm giặt là, sửa chữa thiết bị, chỉ cần nghe tới Triều Hân, đều từ chối nên tất cả đều phải tự thân vận động…" - chị Phượng (tiếp tân) chia sẻ.
Chỉ hơn nửa tháng, Triều Hân đã chịu tổng thiệt hại trên 300 triệu đồng. Thế nhưng, ngày ông Hoà ra viện, anh Tĩnh vẫn đón ông trở về khách sạn sinh sống, chăm sóc, tới khi ông ổn định sức khỏe trở về Mỹ.
"Nếu chúng không đón bác ấy quay lại khách sạn thì chúng tôi đâu khác gì những người đã kỳ thị mình. Ngay từ đầu khi biết bác có bệnh, tôi đã quyết đón bác trở lại sau khi hết dịch. Giờ đây, bác Hoà còn mang tâm lý sợ mọi người nghĩ mình là mầm bệnh, không dám bắt tay, đụng chạm,… nên chúng tôi luôn thường xuyên động viên, gần gũi để bác đỡ tủi thân hơn…" - anh Tĩnh nói.
Tại buổi xuất viện của bệnh nhân Tạ Kiên Hoà, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), chia sẻ: Bệnh nhân Tạ Kiên Hoà âm tính nCoV, 5 lần liên tiếp từ ngày 12/2 đến 21/2.
Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền u xơ tiền liệt tuyến, tổn thương phổi, chức năng các cơ quan gan, thận cũng suy yếu,… nên quá trình điều trị cho bệnh nhân kéo dài 21 ngày.
"Bệnh nhân về Việt Nam, nhập viện chỉ có một mình, nằm trong phòng cách ly, ban đầu tâm lý bị ảnh hưởng khá nhiều. Các bác sĩ, điều dưỡng sau khi điều trị thường nán lại trò chuyện, chia sẻ thêm với ông để bệnh nhân yên tâm điều trị", tiến sĩ Châu kể.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), cho rằng, thành công trong công tác điều trị không chỉ nằm ở thuốc hay chế độ dinh dưỡng, mà tâm lý cũng cần được điều trị song song. Do đó, khoa đã lên kế hoạch là khi bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý vô phòng thì phải nán lại 1-2 tiếng để tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân.
"Cái quan trọng nhất trong điều trị dịch là tâm lý của người bệnh chứ không phải điều trị bằng thuốc. Bệnh nhân an tâm và hợp tác thì tiến trình điều trị mới nhanh và hiệu quả", bác sĩ Phong chia sẻ.