Viện Virus học Vũ Hán đi xuyên "bão" tin đồn về dịch Covid-19

Yến Chi |

Viện Virus học Vũ Hán, nơi có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao nhất châu Á trở thành tâm điểm tranh cãi với một số nghi vấn về mối liên hệ có thể xảy ra với sự bùng phát của Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu về việc Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Thông tin này được đăng tải bởi tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet.

Viện Virus học Vũ Hán đi xuyên bão tin đồn về dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trung Quốc nằm trong số gần 20 nước có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 đặt tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc

Bao vây bởi tin đồn

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, trong vòng 1 tuần, Viện Virus học Vũ Hán đã đưa ra 2 tuyên bố bác bỏ tin đồn rằng cơ quan này có liên quan đến nguồn gốc của virus Corona mới. Đầu tiên, một người dùng mạng xã hội Sina Weibo có tên “Weiketiezhi” (qua điều tra thì tài khoản này có địa chỉ IP ở Mỹ) lan truyền thông tin về nhà nghiên cứu Chen Quanjiao đã báo cáo Viện trưởng Wang Yanyi việc cô đã “bán động vật thí nghiệm” cho chợ hải sản Huanan, từ đó virus phòng thí nghiệm mới bị rò rỉ.

“Tôi chưa bao giờ đưa ra bất kỳ thông tin nào như vậy và rất phẫn nộ vì có những người sử dụng tên tuổi của tôi để bịa đặt. Những tin đồn này đã ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các nhà khoa học. Chúng tôi hy vọng công chúng cảnh giác cao về các âm mưu và hoạt động chống phá liên quan” - nhà nghiên cứu Chen Quanjiao tuyên bố trên trang web của viện hôm 17-2.

Cùng với đó, trên mạng xã hội rộ tin đồn rằng, Huang Yanling - một trong những nghiên cứu sinh của viện “là người đầu tiên nhiễm virus Covid-19”. Wei Hongping, giáo viên hướng dẫn của Huang Yanling hôm 16-2 cho biết, Huang Yanling thực hiện luận án thạc sĩ ở viện năm 2015, sau khi tốt nghiệp đã chuyển đi sống và làm việc ở nơi khác, không còn ở Vũ Hán nữa. Qua liên lạc điện thoại, cô Huang Yanling xác nhận sức khỏe tốt, không liên quan gì đến Covid-19.

Hai sự cố nói trên không phải là lần đầu tiên Viện Virus học Vũ Hán và các nghiên cứu viên của họ gặp phải, nhất là trong thời gian gần đây xuất hiện một số thuyết âm mưu cho rằng viện nghiên cứu virus học này có liên quan đến dịch Covid-19. Đầu tháng 2, một bài báo do một số nhà khoa học ở Ấn Độ viết rằng, Covid-19 có thể có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán. Bài báo bị chỉ trích rộng rãi và sau đó phải rút lại. Shi Zhengli, một nhà nghiên cứu của viện, cũng đang tham gia phân tích virus Corona mới viết trên WeChat của mình rằng: “Virus Corona mới là một hình phạt tự nhiên đối với lối sống mất vệ sinh của con người. Tôi thề rằng virus không liên quan gì đến phòng thí nghiệm”.

Những nghi ngờ cần lời giải đáp

Bên cạnh những tin đồn độc hại được cho là tung ra từ các lực lượng chống phá ở nước ngoài, một số chuyên gia và cư dân mạng trong nước cũng bày tỏ sự thất vọng của họ với Viện Virus học Vũ Hán về hiệu suất trong việc xử lý dịch bệnh. Dou Hanzhang - một nhà phân tích truyền thông bày tỏ, nếu nói rằng dịch bệnh này xuất hiện do sự phát triển vũ khí sinh học của Trung Quốc là không có căn cứ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi từ công chúng, đó là liệu họ có giữ loại virus Corona tổng hợp hay không? Và nếu có thì đâu là sự khác biệt giữa thứ được tổng hợp với Covid-19?

- Viện Virus học Vũ Hán thành lập năm 1956, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chuyên nghiên cứu virus học cơ bản vì sức khỏe con người và phục vụ nông nghiệp.

- Từng nghiên cứu về virus HIV, Ebola và H1N1. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ngày 3-2, Viện đã xuất bản bài báo "Một đợt bùng phát viêm phổi liên quan đến một loại virus Corona mới có nguồn gốc từ dơi có thể xảy ra".

- Tháng 1-2015, Viện hoàn thành xây dựng Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 đầu tiên của châu Á.

- Phòng thí nghiệm hoạt động từ năm 2018, đặt ở quận Jiangxia và cách chợ hải sản Huanan, Vũ Hán hơn 40km, nơi được cho là nguồn gốc của dịch Covid-19.

- Phòng thí nghiệm đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc. Nó giữ mầm bệnh có nguy cơ cao và cũng là nơi tham khảo về mầm bệnh cho Liên hợp quốc.

Theo một luận án được công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên vào ngày 9-11-2015, nhóm nghiên cứu của viện do ông Shi Zhengli đứng đầu đã tổng hợp các virus có khả năng lây nhiễm và nhân lên trong quá trình nghiên cứu về virus Corona. Đó là nguồn cơn nghi ngờ nhắm vào Viện Virus học Vũ Hán.

Các nhà phân tích đã kêu gọi viện tiết lộ dữ liệu nghiên cứu liên quan, giải thích cho công chúng về sự tương đồng và khác biệt giữa virus Corona do nhóm của họ tổng hợp với Covid-19 sớm nhất có thể. Ông Dou Hanzhang đặt vấn đề, các nghiên cứu bao giờ cũng sử dụng các động vật và linh trưởng để thử nghiệm, vậy những con vật thí nghiệm đó được xử lý ra sao, liệu chúng có thể là nguồn gốc của virus Corona mới hay không.

Cư dân mạng cũng đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm bà Wang Yanyi giữ chức Giám đốc của viện. Thông tin chính thức cho thấy, bà Wang Yanyi (SN 1981) có bằng Thạc sĩ Y khoa thuộc Đại học Colorado (Mỹ) và bằng Tiến sĩ tại Đại học Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc).

Trước khi gia nhập viện, bà Wang làm giảng viên và sau đó trở thành Phó Giáo sư tại Đại học Vũ Hán. Những thành tựu của Wang Yanyi về virus học không được đề cập tới, nhưng vào năm 2014, bà đã được trao giải là một trong những học giả trẻ xuất sắc, được Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc tài trợ.

Nghi ngờ về năng lực của lãnh đạo cao nhất viện này nổi lên sau khi Tân Hoa Xã ngày 31-1 cho biết, nghiên cứu mới nhất giữa Viện Virus học Vũ Hán và Viện Nghiên cứu vật liệu ngành y Thượng Hải đã sáng chế ra thuốc uống Shuanghuanglian, có chứa 3 thành phần thảo dược, có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus Corona. Tuy nhiên, ngay hôm sau, tờ Nhân dân nhật báo đã công bố thông tin tương phản, kêu gọi mọi người đừng vội mua thuốc vì còn thời gian thử nghiệm.

Về sự thất vọng của công chúng đối với viện nghiên cứu, ông Yang Zhanqiu - Phó khoa Sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán nói rằng, Viện Virus học Vũ Hán đã có một số kết quả nghiên cứu về dịch bệnh Covid-19. Họ đang phân lập virus và sàng lọc các loại thuốc nhưng chưa thể công bố tất cả cho giới truyền thông. “Đối mặt với một dịch bệnh quốc tế đột ngột và lớn như vậy, rất khó để một tổ chức khoa học gánh hết trách nhiệm phải báo cáo với thế giới”, ông Yang Zhanqiu lưu ý.

Viện Virus học Vũ Hán đi xuyên bão tin đồn về dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Phòng thí nghiệm có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất

Quy trình đảm bảo an toàn thế nào?

Viện Virus học Vũ Hán xây xong Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia vào tháng 1-2015. Đây là Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 đầu tiên của châu Á (BSL-4) và trên thế giới chưa đến 20 quốc gia sở hữu phòng thí nghiệm dạng này. Nó đã được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 1-2018 để đi vào sử dụng.

Ông Yang Zhanqiu nói với Thời báo Hoàn cầu, rằng Phòng thí nghiệm BSL-4 tuân theo mức độ an toàn sinh học cao nhất và đủ điều kiện để thực hiện các thí nghiệm vi sinh vật gây bệnh cao. “Trung Quốc là một quốc gia đông dân với vùng lãnh thổ rộng lớn.

Nó có thể phải đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm khẩn cấp. Có một phòng thí nghiệm tiên tiến nhất là cần thiết để nghiên cứu những virus chưa được biết đến nhằm ngăn ngừa và đảm bảo an toàn sức khỏe dân chúng”, ông Yang Zhanqiu nói. Đơn cử, virus Ebola không có ở Trung Quốc, nhưng nó có thể được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này.

Đáp lại những đồn thổi về khả năng “rò rỉ virus” từ phòng thí nghiệm, chuyên gia Yang Zhanqiu cho rằng điều đó là không thể. Phòng thí nghiệm có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất, hệ thống áp suất âm của nó đảm bảo không khí lưu chuyển theo một hướng và được lọc sạch.

Tất cả các vật phẩm lấy ra khỏi phòng thí nghiệm cần được khử trùng 2 lần - khử trùng hóa học và khử trùng bằng nhiệt - để đảm bảo không có virus nào bị rò rỉ. Nhân viên nghiên cứu rời khỏi phòng thí nghiệm thậm chí phải tắm sạch sẽ, ông Yang nói.

"Tôi thực sự không nghĩ rằng virus được làm ra từ một số nghiên cứu vũ khí sinh học. Tôi bác bỏ giả thuyết đó. Dựa trên những gì chúng ta biết, nhiều khả năng đó là thứ bắt nguồn từ động vật và sau đó biến đổi sống trong cơ thể người, giống như trường hợp SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông)"

Arthur Reingold (nhà dịch tễ học tại Đại học California, Berkeley, Mỹ)

"Theo như tôi biết, không có nhà khoa học có uy tín nào đưa ra câu hỏi đó. Hiện tại, dữ liệu khoa học cho thấy đây là một hiện tượng tự nhiên giống như SARS hoặc MERS"

William Schaffner (Giám đốc y tế của Quỹ về bệnh truyền nhiễm quốc gia, trụ sở ở Washington, Mỹ)

"Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu về việc Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Việc chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, công khai và minh bạch về dịch bệnh này hiện đang bị đe dọa bởi những tin đồn và thông tin sai lệch xung quanh nguồn gốc của nó. Thông tin không chính xác lặp đi lặp lại qua phương tiện truyền thông xã hội sẽ gây bất lợi cho sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi ủng hộ kết luận rằng, virus Corona mới này có nguồn gốc từ động vật hoang dã".

(Tuyên bố của 27 chuyên gia y tế quốc tế trên website của tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet hôm 19-2)

Viện Virus học Vũ Hán đi xuyên bão tin đồn về dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại