Trong trận đấu với đội tuyển Nhật Bản vừa qua, Tuấn Anh là cầu thủ duy nhất trưởng thành từ lò đào tạo HAGL được HLV Troussier tung vào sân ngay từ đầu, đảm nhiệm vị trí tiền vệ trung tâm cực kỳ quan trọng. Những niềm tự hào một thời khác của bầu Đức như Văn Thanh phải ngồi dự bị cả trận, trong khi đó Văn Toàn thậm chí còn không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu.
Sau trận đấu, theo chấm điểm của trang Sofascore, Tuấn Anh là một trong những cầu thủ nhận điểm số thấp nhất với 6,2 - chỉ xếp trên thủ thành Nguyễn Filip (6,0) và Thanh Bình (6,1). Sau hiệp đấu đầu tiên, HLV Troussier buộc phải rút tiền vệ này ra. Dĩ nhiên lý do không phải là vì thể lực, mà vì vai trò ở hàng tiền vệ của cầu thủ này là cực kỳ mờ nhạt. Trớ trêu thay, người vào thay cho Tuấn Anh lại là Lê Phạm Thành Long - "đứa con bị hắt hủi" của đội bóng phố Núi, hiện tại đang chơi khá hay trong màu áo nhà đương kim vô địch V.League - CLB Công an Hà Nội.
Thống kê trận đấu cho thấy trong số 22 cú chạm bóng của mình trong 45 hiệp đấu đầu tiên, chỉ có 4 pha chạm bóng ở phần sân đối phương, quá ít so với vai trò của một tiền vệ trung tâm, cũng như so với những tiền vệ còn lại. Không khó để lý giải điều này khi tiền vệ này di chuyển khá ít, và tốc độ di chuyển cũng khá thấp. Dù chủ động chơi phòng ngự, song chính Tuấn Anh là người mắc lỗi lớn trong tình huống đội tuyển Nhật Bản mở tỷ số trận đấu.
Ở tình huống phạt góc dẫn đến bàn thua của đội tuyển Việt Nam, Tuấn Anh là người theo kèm Endo, song khi bóng được treo vào, cầu thủ này đã bỏ người, để Endo độn lưng Minh Trọng, tạo điều kiện cho Itakura chạm bóng, để Sugawara tung cú sút buộc Bùi Hoàng Việt Anh phải xoạc chân phá bóng.
Ở bàn thua thứ hai của đội tuyển Việt Nam, thêm lần nữa Tuấn Anh lại bỏ bẵng Endo để dâng lên "bắt bài" đường chuyền, tạo cơ hội cho cầu thủ Nhật Bản này thoải mái nhận bóng trước khi chọc khe đẹp mắt cho Minamino "kết liễu" thủ thành Nguyễn Filip.
Ở bàn thua thứ ba - đúng ở thời điểm nhạy cảm nhất của trận đấu, lối di chuyển "dưỡng sinh" của Tuấn Anh cũng tạo điều kiện cho Nakamura tung ra cú vuốt bóng hiểm hóc tung lưới đội tuyển Việt Nam.
Theo thống kê từ trang chính thức của AFC, Tuấn Anh đã tung ra cả thảy 19 đường chuyền, trong đó có 3 đường chuyền sai địa chỉ - cả ba đều là những đường chuyền hướng lên phía trên. Trong số 16 đường chuyền thành công còn lại, có đến 1/2 là chuyền về. So với phong độ của thời đỉnh cao, con số này là sự thất vọng khi nhiệm vụ chính của tiền vệ này là thoát pressing.
Để so sánh, Lê Phạm Thành Long vào thay Tuấn Anh chơi khoảng thời gian tương tự, có đến 39 lần chạm bóng, tung ra đến 31 đường chuyền chính xác.
Không khó để nhận thấy Tuấn Anh là cầu thủ yêu thích của HLV Troussier khi xuất hiện ở đội hình xuất phát của đội tuyển Việt Nam trong tất cả các trận đấu dưới thời của nhà cầm quân người Pháp này, dù cho phong độ của tiền vệ này trong màu áo HAGL khá tệ, khiến đội bóng phố Núi mùa giải này vẫn đang "chết bẹp" ở đáy bảng xếp hạng V.League. Đáng chú ý là thời lượng cầu thủ này xuất hiện trên sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam ngày càng ít đi.
Trận đấu tới gặp Indonesia là bước ngoặt cực kỳ quan trọng cho thầy trò HLV Troussier, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc ghế của ông thầy người Pháp. Có thể nói, đây là trận đấu sinh tử quyết định vận mệnh của đội tuyển Việt Nam. Phải đối diện với lực lượng chiếm ưu thế về mặt thể hình của Indonesia, Tuấn Anh rất khó thích hợp để đóng vai trò tiền vệ trụ. Bên cạnh đó, Lê Phạm Thành Long có lối chơi quyết liệt hơn, phù hợp chơi cùng Quang Hải hơn. Tuấn Anh sẽ thích hợp hơn khi được vào sân ở những phút cuối trận, trong hoàn cảnh đội tuyển Việt Nam đã vượt lên đối thủ và chuyển về lối chơi phòng ngự phản công.
Trong vai trò HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier đã có những quyết định cực kỳ quyết liệt, như đặt niềm tin vào rất nhiều cầu thủ trẻ, cũng như kiên quyết loại Hoàng Đức. Song ở trường hợp Tuấn Anh, nếu cứ nhất mực cố chấp, rất có thể ông thầy người Pháp sẽ "mất cả chì lẫn chài".
Đội tuyển Việt Nam 2-4 Nhật Bản
Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/