CSIS cho biết Philippines đã bắt đầu cho xây dựng lại một đường băng và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng khác ở đảo Thị Tứ, Biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 17/5 cho thấy hai tàu neo gần phía Tây của đường băng, một trong số đó dường như được trang bị thiết bị nạo vét, bao gồm cần cẩu và gầu ngoạm, CSIS cho biết ngày 26/5.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/5 của CSIS cho thấy hai tàu neo ở phía Tây đảo Thị Tứ. (Ảnh: CSIS/AMTI)
Theo South China Morning Post (SCMP), đường băng này được xây dựng từ những năm 1970 trên đảo Thị Tứ và là đường băng đầu tiên thuộc loại này ở quần đảo Trường Sa. Theo thời gian, phần phía Tây của đường băng bị sụp xuống cùng với điều kiện nghèo nàn khiến cho máy bay khó cất hạ cánh.
Ngoài sửa đường băng, theo SCMP, 7 tòa nhà mới đã được xây tại Thị Tứ trong năm 2017, 4 trong số đó gần khu vực dân cư nằm ở phía Đông của đảo.
Tháng 8/2017, một hạm đội tàu Trung Quốc bao gồm tàu cá, tàu tuần duyên và tàu hải quân chặn một tàu của cơ quan Thủy sản và tài nguyên biển Philippines không cho tiếp cận khu vực. Nghị sĩ Philippines Gary Alejano lúc đó cho biết một trực thăng từ tàu Trung Quốc cũng được nhìn thấy bay trên bãi cát phía Tây Bắc đảo Thị Tứ.
Theo SCMP, Philippines đã có kế hoạch sửa chữa các cơ sở hạ tầng trên đảo từ lâu nhưng vướng phải sự phản đối của Bắc Kinh.
Đảo Thị Tứ nằm gần đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Manila gọi là Pag-asa), hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Tháng 3/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói quân đội nước này sẽ tăng sức mạnh cho các cơ sở chiếm đóng ở Trường Sa, xây dựng cảng mới, lát đường băng sân bay và sửa chữa các công trình hiện có.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.
Video: 'Google Nga' khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam