Viên nang chứa phóng xạ bị mất tích ở Úc được tìm thấy theo cách không ai ngờ

Bảo Nam |

Hành trình tìm kiếm tưởng chừng sẽ kéo dài hàng tháng trời đã bất ngờ kết thúc chỉ sau vài ngày.

Các nhà chức trách quét một đường cao tốc hẻo lánh của Úc để tìm một viên phóng xạ nhỏ bị mất tích đã tìm thấy nó bên vệ đường, sau một cuộc tìm kiếm đầy thử thách được ví như mò kim đáy bể.

Đầu tuần này, các cơ quan khẩn cấp của Úc đã công bố thông tin về việc một viên nang chứa chất phóng xạ cao Caesium-137 đã được phát hiện mất tích trên đường vận chuyển từ khu khai thác Rio Tinto ở phía bắc Tây Úc đến thành phố Perth.

Do viên nang này rất nhỏ, chỉ dài 8 mm và có đường kính 6 mm trong khi quãng đường vận chuyển dài tới 1.400 km, quá trình tìm lại nó được các chuyên gia ví như hành trình “mò kim đáy biển”.

Viên nang chứa phóng xạ bị mất tích ở Úc được tìm thấy theo cách không ai ngờ - Ảnh 1.

Bé hơn một đồng xu nhưng viên nang chứa phóng xạ lại nguy hiểm vô cùng.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không thể phớt lờ sự tồn tại của viên nang này, bởi nó thực sự nguy hiểm. Bởi trong phạm vi bán kính 5 mét nó đã có thể gây ra các tổn thương da, bỏng và bệnh phóng xạ, còn nếu tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây ung thư. Các chuyên gia y tế cho biết đứng cách viên nang một mét trong vòng một giờ sẽ tương đương với việc nhận liều bức xạ của 10 tia X cùng một lúc.

Và rủi ro không chỉ xuất hiện trong ngắn hạn. Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, nghĩa là sau ba thập kỷ, độ phóng xạ của viên nang sẽ giảm đi một nửa và sau 60 năm sẽ lại giảm một nửa lần nữa. Nghĩa là viên nang bị mất có thể vẫn còn phóng xạ trong 300 năm.

Rio Tinto, công ty sử dụng viên nang phóng xạ, cho biết nó là một linh kiện trong một máy đo tại mỏ quặng sắt Gudai-Darri. Đại diện công ty cũng cho biết họ thường xuyên vận chuyển và lưu trữ món hàng hóa nguy hiểm như một phần hoạt động kinh doanh của mình và thường phải thuê các nhà thầu chuyên về xử lý các vật liệu phóng xạ để vận chuyển.

Viên nang chứa phóng xạ bị mất tích ở Úc được tìm thấy theo cách không ai ngờ - Ảnh 3.

Ảnh chụp cho thấy viên nang phóng xạ nằm trên mặt đất, gần Newman, Úc, ngày 1/2/2023

Rất may, chỉ sau vài ngày, hành trình tìm kiếm đã kết thúc khi viên nang đã sớm được tìm thấy.

Các nhà chức trách cho biết viên nang được phát hiện vào lúc 11h13 sáng hôm 1/2, cách con đường mà nó được vận chuyển chỉ khoảng 2 mét. Đội tìm kiếm đã sử dụng thiết bị phát hiện bức xạ và nhận thấy thông báo có nguồn phát xạ bất ngờ khi tới gần.

Một khu vực bảo vệ bán kính tới 20 mét đã được thiết lập xung quanh viên nang và nó sẽ được đưa sang một thùng chứa bằng chì trước khi được vận chuyển đến một cơ sở an ninh ở thị trấn Newman gần đó. Sau đó, nó sẽ lại bắt đầu hành trình đi về phía nam và lần này là đến một cơ sở của bộ y tế ở thành phố Perth.

Viên nang chứa phóng xạ bị mất tích ở Úc được tìm thấy theo cách không ai ngờ - Ảnh 4.

Hành trình tìm kiếm dự kiến kéo dài cả ngàn km may mắn đã sớm được chấm dứt.

Các quan chức cho biết có vẻ như không có ai đã tiếp xúc với bức xạ của viên nang trong thời gian nó bị mất tích. Bởi vị trí của nó nằm đủ xa so với bất kỳ cộng đồng dân cư lớn nào quanh đó. Viên nang cũng có vẻ đã không hề di chuyển sau khi rơi xuống vệ đường.

CEO của Rio Tinto, Simon Trott, cho biết công ty “vô cùng biết ơn” vì hành trình tìm ra viên nang và một lần nữa xin lỗi cộng đồng vì sự cố lần này.

Tuy nhiên, vụ việc cũng được xem như một cú sốc đối với các chuyên gia trong ngành. Họ cho rằng việc xử lý các vật liệu phóng xạ như Caesium-137 cần được quản lý chặt chẽ với các quy trình nghiêm ngặt hơn về vận chuyển, lưu trữ và xử lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại