Đài BBC cho hay trong những tuần gần đây, một loạt trường đại học trên khắp thế giới đã đóng cửa các chương trình đào tạo của Viện Khổng Tử. Tại Úc, một cuộc điều tra thậm chí đang được tiến hành xem liệu các thỏa thuận giữa các trường đại học và viện có vi phạm luật chống can thiệp từ nước ngoài hay không.
Nhìn bề ngoài, Viện Khổng Tử quảng bá văn hóa Trung Quốc thông qua các lớp học từ thư pháp và nấu ăn đến thái cực quyền.
Viện Khổng Tử đầu tiên được mở vào năm 2004 tại Hàn Quốc, và theo dữ liệu chính thức, có 548 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã được thành lập vào cuối năm ngoái, cũng như 1.193 phòng học Khổng Tử có trụ sở tại các trường tiểu học và trung học.
Được hỗ trợ bởi chính phủ, Trung Quốc đặt mục tiêu có 1.000 viện như vậy được thành lập vào năm 2020 trong cái mà họ gọi là "cuộc cách mạng Khổng Tử" nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung ngày càng tăng ở nước ngoài.
Ngoài ra, trang web Hanban cho biết tất cả các viện phải tuân theo tôn chỉ nhất định và không tham gia các hoạt động không phù hợp với "nhiệm vụ" của họ.
Nhưng mặc dù cả Viện Khổng tử và chính phủ Trung Quốc đều phủ nhận, một số nhà phân tích cho rằng các quy tắc hoạt động của viện đã loại bỏ các chủ đề chính trị nhạy cảm.
Các viện này đã bị cáo buộc gây áp lực buộc các trường đại học có mối liên kết phải im lặng hoặc kiểm duyệt các hội thảo về những chủ đề được coi là gây tranh cãi của Bắc Kinh.
Trung Quốc lập luận rằng các Viện Khổng Tử không khác gì các trung tâm văn hóa, chẳng hạn như Hội đồng Anh và Viện Cervantes của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc trong quá khứ đã thừa nhận rằng các Viện Khổng Tử "là một phần quan trọng trong bộ máy tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc".
Một đánh giá của Bộ Giáo dục ở Úc cho biết mặc dù không có bằng chứng về "ảnh hưởng chính trị thực tế", một số yếu tố "có thể làm nảy sinh nhận thức rằng Viện Khổng Tử đang hoặc có thể tạo điều kiện cho tác động không phù hợp từ nước ngoài".
Trước tình hình đó, Chính phủ Úc hiện đã thành lập một đội đặc nhiệm để hạn chế các nỗ lực của chính phủ nước ngoài để can thiệp vào các trường đại học địa phương. Một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành xem liệu các thỏa thuận giữa các trường đại học và Viện Khổng Tử ở Úc có vi phạm luật chống can thiệp mới hay không.