"VIÊN KẸO BÍ ẨN" GIÚP TUYỂN THỦ VIỆT NAM KHỎE LÊN
Cuối năm 1994, bóng đá Việt Nam đón nhận một bước ngoặt lớn khi VFF quyết định lần đầu tiên thuê thầy ngoại để dẫn dắt ĐTQG, sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp (1991, 1993) đều bị loại từ vòng bảng, cùng những xì xào về chuyện "quân anh, quân tôi" ở trên tuyển.
Một danh sách dài những ứng viên nước ngoài được một công ty tiếp thị thể thao quốc tế gửi tới. Anh, Đức, Pháp rồi đến Brazil đủ cả. Và rồi cuối cùng VFF quyết định chọn một HLV Brazil, nền bóng đá hàng đầu thế giới. Đó chính là cách Edson Tavares, HLV ngoại đầu tiên, đến với ĐT Việt Nam.
Không lâu sau ngày nhậm chức, HLV Tavares bước vào giải đấu đầu tiên cùng ĐT Việt Nam. Trớ trêu thay, cúp Độc Lập 1995 cả khách mời và chủ nhà chỉ có 7 đội. Thành ra cuối cùng người ta quyết định chia thành đội tuyển Việt Nam 1 và Việt Nam 2 để đủ hai bảng, mỗi bảng 4 đội.
Điều này khiến cho mỗi đội Việt Nam chỉ có 11 cầu thủ ra sân và vài ba người dự bị. Cộng thêm việc quan sát thấy các cầu thủ Việt Nam thể lực còn hạn chế, HLV Tavares quyết định chơi bài tâm lý.
"Ông hãy đưa giúp tôi thuốc này đến các cầu thủ, nếu họ hỏi thì bảo đó là doping", HLV Tavares nói với một trợ lý người Việt của mình và đưa ra một túi loại thuốc viên màu trắng đục. Ban đầu người ta tưởng ông Tavares nói đùa nên cũng không bận tâm, nhưng đến khi cầu thủ cứ thắc mắc mãi, vị HLV người Brazil chỉ cười và bảo "Cứ nói y như thế với cầu thủ".
HLV Tavares (áo trắng, thứ hai từ trái sang) khi dẫn dắt ĐT Việt Nam tại cúp Độc Lập (Ảnh: Sỹ Huyên)
Được HLV trưởng nói vậy, các cầu thủ hào hứng lao vào tập luyện hăng hái vì tin rằng mình đã có loại thuốc tăng lực kia bổ trợ cho. Mà quả thật họ cũng cảm thấy nó có công hiệu, phải tập nặng hơn nhiều mà không còn cảm thấy mệt tã người như hồi mới hội quân.
Về sau VFF biết chuyện mới tá hỏa, cấm không cho cầu thủ uống loại thuốc kia nữa vì sợ phạm luật. Nhưng ông Tavares vẫn gạt đi, bảo tất cả không phải sợ.
Kết quả là với đội hình phải chia đôi và thi đấu với mật độ dầy, 2 đội tuyển Việt Nam vẫn chơi ấn tượng tại cúp Độc lập và cùng lọt vào đến bán kết. Nhưng cũng sau giải đấu này, bất đồng về chuyện lương bổng khiến ông Tavares sớm rời đi (HLV này đưa cả vợ con sang Việt Nam nên đề nghị VFF tăng lương để lo cho con cái đi học nhưng không được đồng ý).
Mãi đến trước khi về nước, vị HLV người Brazil mới bật mí với các trợ lý rằng "viên kẹo bí ẩn" kia chỉ là vitamin C thông thường, một bài thuốc tâm lý của ông cho các cầu thủ mà thôi.
Ông Tavares để lại ấn tượng tương đối tốt trong nhiệm kỳ đầu ở ĐT Việt Nam.
LẦN TRỞ LẠI THẢM HỌA VÀ NHỮNG "TÍNH XẤU" KHÓ HIỂU
Dù chỉ cầm ĐT Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng những ấn tượng mà HLV Tavares để lại khá tốt đẹp. Ngoài màn trình diễn trên sân, chuyện ông tự tay massage cho các cầu thủ sau các bài tập nặng (ĐT Việt Nam ngày đó chưa có bác sỹ vật lý trị liệu) cũng là điều giúp HLV Tavares ghi điểm.
Bởi thế mà khi HLV Riedl rời đi sau SEA Games 22, VFF sốt sắng tìm người thay thế và đến tháng 3 năm 2004, HLV Tavares đã được chọn. Ngày nhậm chức, ông tuyên bố một câu khiến cả hội trường phấn khích vỗ tay tán thưởng: "Những năm tháng tới, ĐT Việt Nam sẽ mang dấu ấn của tôi".
Tiếc thay không giống 9 năm trước, những gì HLV này tạo ra ở đội tuyển chỉ khiến người ta ngán ngẩm.
Khác với sự điềm đạm, nhã nhặn của HLV Riedl, HLV Tavares là một người rất nóng tính. Điều này vô hình trung khiến các cầu thủ và những trợ lý ngại trái ý ông, thậm chí ngại cả việc góp ý với một người "tính nóng như Trương Phi".
Thậm chí, ông Tavares đôi khi nổi giận vô cớ trong khi chính ông là người sai. Lái xe người Việt phụ trách đưa đón vị HLV này từng kể lại câu chuyện một lần ông Tavares cần ra sân bay nhưng lại trễ hẹn, khiến tài xế phải chờ 30 phút ở khách sạn. Vì muộn giờ nên tài xế phải đi rất nhanh, nhưng khi đến cầu Thăng Long thì ông Tavares chợt nhớ ra mình để quên điện thoại di động. Thế là HLV người Brazil cáu gắt một cách rất vô lý khi bắt tài xế phải quay ngược lại khách sạn ngay lập tức.
ĐT Việt Nam thi đấu thất vọng tại Tiger Cup 2004.
Chính tính cách này khiến dư luận và truyền thông nhiều lần cảm thấy khó hiểu với ông Tavares. Vị HLV này luôn yêu cầu các cầu thủ phải đúng giờ, phạt Huỳnh Đức, Minh Phương, Tài Em tiền triệu vì lên tập trung muộn dù hãng hàng không đã xác nhận chuyến bay của họ bị trễ giờ, thậm chí đuổi thẳng Duy Hoàng vì không lên tập trung đúng hẹn dù lỗi không phải do cầu thủ này.
Hay như chuyện Công ty phát triển bóng đá Việt Nam (VFD) đem tiền thưởng tới trao cho đội tuyển nhưng bị hỏng xe nên tới muộn. HLV Tavares chẳng thèm nghe giải thích mà nổi giận đùng đùng rồi bỏ đi chỗ khác khiến đại diện VFF phải gọi điện năn nỉ mãi.
Thế nhưng chính bản thân ông lại không phải người tuân thủ quy định về giờ giấc. Ví dụ như chuyện HLV Tavares từng khiến cả đội phải ngồi trên xe chờ mình khá lâu để về khách sạn, do ông tự ý rủ trợ lý Birowisc đi thăm thú Trung tâm Nhổn sau buổi tập mà chẳng báo lại với ai.
Những quyết định thay người của HLV Tavares cũng không được giới chuyên môn đánh giá cao.
Rồi đến những hành động tiền hậu bất nhất cho thấy tâm lý bất ổn của HLV nóng nảy này. Trước Agribank Cup 2004, ông chê giải đấu này vì không muốn ĐT Việt Nam "bội thực" (đội trước đó đã dự LG Cup); nhưng rồi khi thua Porto B và mất chức vô địch, HLV Tavares tức giận bỏ đi luôn mà không thèm dự họp báo.
Có lẽ cũng bởi cách làm việc khó hiểu đó khiến cho ông Tavares không thể gò được đội tuyển Việt Nam vào quy củ. Mà thực tế chính sự nóng nảy quá mức cần thiết của vị HLV này cũng như một dấu hiệu báo trước về sự bất ổn tâm lý khi cầm quân.
Hệ quả là đội tuyển Việt Nước dưới tay ông đá 15 trận, thắng 6, hòa 2, thua 7 và thất bại ở giải đấu được kỳ vọng nhất là Tiger Cup 2004.
Việt Nam 0-3 Indonesia | Tiger Cup 2004
Sau trận hòa khó hiểu 1-1 trước Singapore tại Thống Nhất, Việt Nam dù thắng đậm Campuchia 9-1 cũng không thể mang lại sự an tâm. Và rồi tất cả sụp đổ khi chúng ta để Indonesia "hạ nhục" ngay tại Mỹ Đình bởi trận thua 0-3. HLV Tavares từ chức ngay trong đêm và lặng lẽ thu dọn đồ rời khách sạn khi các học trò còn chưa thức giấc.
Đến năm 2009, ông Tavares còn thêm 1 lần trở lại Việt Nam để dẫn dắt CLB Ninh Bình. Thế nhưng bản hợp đồng 3 năm của ông chỉ sau chưa đầy 4 tuần đã bị hủy, khi lão đạo đội bóng không chịu nổi cách làm việc và hành xử gây ức chế của vị HLV này. Tavares lại một lần nữa rời Việt Nam. Không kèn không trống.