Điều này được giới quan sát dự báo sẽ tạo nên những nhân tố bất ổn mới cho tình hình an ninh thế giới.
Thông điệp răn đe
Vừa qua, Moscow tiến hành cuộc tập trận “Sấm sét 2019” để phô diễn sức mạnh hỏa lực quân sự của các tên lửa đạn đạo hạt nhân ở vùng biển Bắc Cực, ngay trước cửa ngõ NATO.
Moscow đã trình diễn khả năng phóng các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trúng các mục tiêu dự định, cùng với việc thử nghiệm một số tên lửa chiến lược bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Sineva, tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa đạn đạo Iskander-K.
Thậm chí, Nga cũng đem thử nghiệm các “sát thủ dưới nước” rất đáng sợ nhờ khả năng tàng hình và tốc độ di chuyển nhanh hơn bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới.
Theo đó, hai tàu ngầm hạt nhân Nga đã “thử” chiến đấu với nhau dưới nước, tự bắn ngư lôi vào nhau và cố gắng thoát khỏi vòng vây đối thủ bằng nhiều biện pháp gây nhiễu. Những tàu ngầm này được cho là sẽ hiện diện ở vùng biển phía bắc Na Uy, nằm trong kế hoạch di chuyển bí mật từ căn cứ ở bán đảo Kola đến biển Na Uy.
Giới quan sát nhận định, các cuộc diễn tập giống như bài kiểm tra năng lực hạt nhân hằng năm, giúp Tổng thống Vladimir Putin kiểm tra kho vũ khí quân sự. Thông qua cuộc tập trận, Nga gửi đến các quốc gia một thông điệp đầy cứng rắn: vũ khí của Nga, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân, dễ dàng thâm nhập các vùng biển NATO, hoàn toàn không bị phát hiện.
Nhìn xa hơn, dường như Nga đang muốn đẩy nhanh tốc độ hướng về Bắc Đại Tây Dương và vượt ra khỏi mục đích tập trận phòng thủ, Moscow hoàn toàn có thể sử dụng chính những tàu ngầm này để tấn công khi cần thiết ngay từ vị trí mà chúng đang hoạt động.
Chuẩn bị tác chiến
Mỹ và NATO hiện đang như ngồi trên lửa trước các nỗ lực không ngừng của Nga. Có nguồn tin cho rằng, NATO đã bí mật diễn tập chiến tranh hạt nhân vì lo sợ trước những thách thức từ Nga cùng căng thẳng bùng nổ sau khi Washington và Moscow tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Cuộc tập trận phối hợp với Đức, vận chuyển vũ khí hạt nhân từ dưới lòng đất để lắp vào máy bay quân sự ném bom.
Phía Đức còn điều động thêm máy bay tiêm kích bom đa năng Panavia Tornado, sẽ được trang bị bom hạt nhân để tham gia chiến dịch của NATO chống lại địch thủ khi cần thiết. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhờ nguyên tắc chia sẻ chung giữa các thành viên NATO.
Trên thực tế, Mỹ có thể đang dự trữ khoảng 20 đầu đạn hạt nhân hoặc bom hạt nhân B61 tại Đức và có ý định mở rộng các địa chỉ dự trữ hạt nhân trên các quốc gia NATO thành viên. Cùng chung ý định với NATO để răn đe Nga, Mỹ tiến hành một số cuộc tập trận thường niên, trong đó phải nhắc đến “Sấm sét toàn cầu” liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ.
Washington đã phải điều động tất cả lực lượng tấn công chiến lược để kiểm tra khả năng hợp đồng tác chiến với các đồng minh. Bên cạnh đó, Mỹ muốn đánh giá khả năng chiến đấu của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ trong các nhiệm vụ khu vực, huấn luyện dã chiến cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến hạt nhân nào.
Nga đang sở hữu “sát thủ dưới nước” nhờ khả năng tàng hình và tốc độ di chuyển nhanh hơn bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới.
Mối đe tiềm tàng
Có thể nhận thấy Mỹ, NATO hay Nga tập trận với những mục đích tương đối khác nhau. Trong khi Washington muốn kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân, còn NATO cần tích lũy thêm kinh nghiệm cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì Nga lại muốn phô diễn sự linh hoạt và mạnh mẽ trong chiến lược tổng thể.
Tuy nhiên, giới quan sát đều đồng thuận rằng, sự tăng cường hiện diện quân sự của các cường quốc, thông qua các buổi tập trận quy mô lớn, phản ánh nỗ lực tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, từ đó gửi tín hiệu răn đe mạnh mẽ đến đối phương.
Đây trở thành kịch bản thường thấy trong trò chơi chiến lược giữa Mỹ và Nga thời gian qua, khiến mâu thuẫn giữa các bên càng khó hàn gắn.
Chưa hết, cơ hội để khống chế nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang dần tan biến sau khi hai quốc gia tuyên bố chấm dứt Hiệp ước INF và không ngừng đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của INF.
Còn với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới (START), Nga đã sẵn sàng gia hạn vô điều kiện nhưng Mỹ lại tỏ ra đầy do dự. Sau INF, START được coi như giải pháp cuối cùng nhằm kìm hãm cuộc chạy đua vũ trang Nga - Mỹ.
Thế nhưng hai cường quốc luôn tố nhau không minh bạch trong quá trình thực hiện START, khiến nguy START tan vỡ ngày càng rõ ràng.
Khi ấy, triển vọng an ninh hạt nhân toàn cầu cũng không mấy lạc quan vì thế giới sẽ có thể chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt vào năm 2021 - thời điểm START hết hạn.
Không còn bị ràng buộc bởi các thỏa thuận, Mỹ sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa chiến lược hạt nhân, xây dựng các kho vũ khí ở các nước đồng minh và tập trung phát triển đa dạng thế hệ vũ khí sát thương kiểu mới, đặc biệt là tên lửa hạt nhân tầm trung và vũ khí hạt nhân siêu thanh.
Nga cũng không kém cạnh, tiếp tục hoàn thiện chiến lược hạt nhân tổng thể, đẩy nhanh quá trình nghiêm cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân tàng hình siêu tốc độ để “phủ đầu” mọi hành động của Mỹ và NATO.
Bối cảnh này cho thấy, mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không thể bị đánh giá thấp, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với những năm đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh...