Trong một nghi thức nằm ngoài tầm quan sát của ống kính máy ảnh tại Lễ Nhậm chức sẽ diễn ra vào tháng Một năm sau, chiếc "vali hạt nhân" của nước Mỹ sẽ từ biệt Tổng thống Obama để sang tay người chủ mới - Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump cũng sẽ nhận được một tấm thẻ, hay còn gọi là "chiếc bánh quy". Tấm thẻ này không chỉ xác nhận tư cách Tổng tư lệnh của Trump, mà còn mang dãy "mật mã hạt nhân" có quyền khởi động một cuộc tấn công hạt nhân.
Khi đó, nếu muốn, Trump có thể khai hỏa chỉ một hoặc tất cả 2,000 tên lửa hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Hiến pháp Mỹ hiện tại không có bất kỳ rào cản gì đối với quyền lực tối thượng này. Ngay cả khi toàn thể các cố vấn của ông Trump phản đối, miễn là đích thân tổng thống đưa ra một mệnh lệnh rõ ràng, mệnh lệnh đó phải được thực hiện.
Hơn nữa, một khi mệnh lệnh được truyền đi, chỉ có vài phút ngắn ngủi để rút lại. Khi các lên lửa đã ở trên không trung, không có cách nào thu hồi hoặc vô hiệu hóa.
Tranh biếm họa chiếc vali hạt nhân và Trump của họa sĩ Peter Schrank. Ảnh: Economist
Qua các phát ngôn hậu bầu cử của mình, Trump tỏ ra không hề xem nhẹ trọng trách này. Ông thường tuyên bố rằng, ông coi vũ khí hạt nhân là hiểm họa lớn nhất đối với loài người, và ông sẽ không hành động khinh suất như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Nhưng giống như các Tổng thống tiền nhiệm, Trump khẳng định sẽ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp cụ thể.
Trong khoảng thời gian chỉ mười phút để đưa ra một quyết định có thể tàn sát hàng trăm triệu người, ngay cả Tổng tư lệnh điềm tĩnh nhất cũng phải chịu áp lực khổng lồ nếu nhận được tin nước Mỹ sắp bị tấn công.
Đây không phải lỗi của ông Trump, khi chế độ kích hoạt một hệ thống tên lửa mặt đất vốn vô cùng nguy hiểm lại mỏng manh như sợi tóc. Vốn là vậy, nhưng không đời tổng thống tiền nhiệm nào ra chính sách cải thiện tình hình này, kể cả tổng thống Barack Obama.
Còn mối lo ngại lớn hơn nữa, đó là không ai biết ông Trump sẽ hành xử ra sao trong trường hợp căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo thang, và Nga liên tục huơ thanh kiếm hạt nhân trước mặt Mỹ. Ý muốn thân gần với Nga hơn có thể giúp Trump né được viễn cảnh đáng sợ trên.
Thế nhưng, Trump nổi tiếng là người nóng tính, và không kiềm chế nổi những lời phản bác, chỉ trích có phần hung hăng của mình. Ông còn rất giỏi lên mặt ra oai, và không thích nghe theo lời khuyên.
Một đối thủ cũ của Trump là Marco Rubio đặt ra câu hỏi liệu Trump có đủ ôn hòa để có thể làm chủ mã hạt nhân. Hillary Clinton cũng vậy. Và họ không hề sai khi nêu ra nghi vấn trên. Nhưng cả Rubio và Clinton sẽ chỉ có thể đứng bên lề thế cuộc.
Trump mới chính là người nắm giữ "tấm thẻ bánh quy" quyết định vận mệnh của 2,000 tên lửa hạt nhân, và vận mệnh nước Mỹ.