Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho mới đây đã tuyên bố, nước này có thể sẽ tiến hành thử hạt nhân ở Thái Bình Dương. Nếu Bình Nhưỡng biến điều này thành hiện thực, đây sẽ là vũ khí hạt nhân đầu tiên được kích nổ trong bầu khí quyển suốt nhiều thập kỷ qua.
Vậy, Bình Nhưỡng sẽ làm sao để tiến hành một vụ thử hạt nhân ở Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào?
Triều Tiên sẽ làm như thế nào?
Mặc dù về lý thuyết, bom có thể được thả từ máy bay, nhưng các nhà phân tích Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng đã chọn tên lửa để phô trương công nghệ tinh vi nhất và mới nhất của mình.
Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chuyên gia chính sách hạt nhân cho biết, số lần thử tên lửa hạt nhân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Trường hợp tồi tệ nhất sẽ là một vụ thử "Juche bird", Narang nhận định, "Đó không chỉ là hành động gây hấn mà rất nhiều biến cố có thể xảy ra nếu vụ thử không diễn ra như dự tính".
Cụm từ "Juche Bird" là chơi chữ của từ "Juche" trong "Tư tưởng Juche" - hệ tư tưởng của Triều Tiên đề cao tinh thần tự lực của con người - và từ "Bird" trong "Frigate Bird", vụ thử tên lửa năm 1962, khi tàu ngầm có trang bị tên lửa đạn đạo USS Ethan Allen của Mỹ phóng một tên lửa hạt nhân Polaris A-2 về phía đảo Christmas. Tên lửa này đã phát nổ ở Thái Bình Dương.
Đám mây hình nấm xuất hiện sau vụ thử tên lửa năm 1962 của Mỹ. Ảnh: US Army
Theo Washington Examiner, kể cả khi một vụ thử kiểu Juche Bird diễn ra tốt đẹp thì nó vẫn sẽ gây ra mức độ tàn phá môi trường vô cùng lớn ở nơi tên lửa rơi xuống.
Tuy nhiên ông Narang chia sẻ, ông sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Kim Jong-un lựa chọn con đường ấy.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, quan chức Triều Tiên đã đề cập tới phương án này như một lựa chọn chứ không phải một quyết định. Khi nhắc tới khả năng thử vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương, ông Ri đã cẩn trọng nói rằng: Quyết định cuối cùng nằm trong tay lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Narang cho rằng Triều Tiên sẽ thử thêm tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Còn chuyên gia địa chính trị Jeffrey Lewis lại tin rằng nếu không nhìn nhận Triều Tiên một cách nghiêm túc thì rất nguy hiểm.
"Chúng ta đã thách thức người Trung Quốc năm 1966 (khi họ thử một tên lửa hạt nhân) và họ đã làm nên chuyện. Giờ chúng ta lại thách thức người Triều Tiên," ông Lewis nói.
Nếu Triều Tiên ném bom H, chuyện gì sẽ xảy ra?
Kể cả không tính tới tác động về địa chính trị thì ảnh hưởng đối với môi trường cũng sẽ rất khủng khiếp. Vụ nổ chắc chắn sẽ phá hủy và làm ô nhiễm môi trường sống của các loài sinh vật biển, để lại hàng loạt hậu quả không thể đo đếm được, Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) đánh giá.
Những vụ thử hạt nhân của Mỹ ở đảo san hô Bikini vào khoảng giữa và cuối thế kỷ 20 đã khiến nhiều binh lính Mỹ bị nhiễm xạ và biến hòn đảo thành chốn không người.
Video thử nghiệm hạt nhân của Mỹ ở đảo san hô Bikini.
Toàn bộ 167 cư dân trên đảo Bikini được di dời tới đảo san hô Rongerik cách đó 206 km và không bao giờ quay trở lại quê nhà. Họ vẫn đang phải chiến đấu với hàng loạt vấn đề liên quan tới sức khỏe.
Người dân đảo Bikini di tản. Ảnh: © nsarchive.gwu.edu
Thế giới chưa phải đối phó với một vụ thử trong bầu khí quyển kể từ năm 1980, khi Trung Quốc cho nổ một vũ khí ở Lop Nur, miền Tây Bắc nước này.
Trong số hơn 2.000 vụ thử nghiệm được thực hiện kể từ khi vũ khí hạt nhân xuất hiện, hơn 100 vụ đã diễn ra ở các địa điểm biệt lập trên Thái Bình Dương.
Tại quần đảo Marshall, nơi Mỹ thử nghiệm vũ khí, người dân có nguy cơ mắc ung thư, dị tật bẩm sinh và rối loạn tuyến giáp cao hơn. Những ảnh hưởng tương tự cũng được ghi nhận ở Polynesia thuộc Pháp. Theo CTBTO, các vụ thử nghiệm còn gây sụt lở đất, sóng thần, động đất.
Vậy Triều Tiên có thể hay không?
Triều Tiên đã nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tên lửa có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ cùng đồng minh, và gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa.
Sau 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa, có vẻ Bình Nhưỡng đã tiến tới rất gần mục tiêu.
Khi được hỏi làm thế nào để biết chắc liệu Triều Tiên đã có tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân hay chưa, ông Lewis thường đùa: "Anh sẽ nhìn thấy một quầng sáng chói lòa lan rộng". Ông đồng ý với quan điểm của nhiều chuyên gia khác rằng, chúng ta chỉ có thể biết được chắc chắn nếu Triều Tiên thực hiện một vụ nổ hạt nhân.
Tuy nhiên, theo CNN, quân đội Mỹ coi như Triều Tiên đã sở hữu năng lực đó rồi.
"Tôi biết rằng có nhiều tranh cãi xung quanh tiến triển thu nhỏ đầu đạn của Bình Nhưỡng. Nhưng Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) chắc chắn đã ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, tôi tin lời ông Kim Jong Un. Tôi cho rằng những tuyên bố của ông ta là đúng. Tôi biết chắc khát vọng của ông ta là gì", Đô đốc Harry Harris nói.