"Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là sự kết thúc chính thức của Iran. Đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa", Tổng thống Donald Trump ngày 20/5 viết trên Twitter.
Tuyên bố được Tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran không có dấu hiệu hạ nhiệt, đặt ra lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng.
Lời đe dọa của ông Trump trên Twitter
Các nhà quan sát hy vọng những tuyên bố ngày càng mang hơi hướng hiếu chiến của hai bên chỉ đơn thuần là thái độ hung hăng trên phương diện chính trị, chứ không phải là những lời đe dọa động binh thực sự. Tuy nhiên, khó có thể phớt lờ lời đe dọa đặt dấu "kết thúc chính thức" cho đất nước với hơn 80 triệu dân.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tăng vọt kể từ khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đề cập tới đợt triển khai của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tới vịnh Ba Tư hồi đầu tháng 5.
Từ sau đó, chính quyền Donald Trump liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố mập mờ, trong đó có những lần đề cập tới mối đe dọa tăng cao từ phía các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Iraq, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Giới lãnh đạo Iran phản ứng lại bằng cách ra lệnh cho các tổ chức phiến quân mà nước này hậu thuẫn chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, có lẽ nhằm đáp trả những gì mà họ xem là mối đe dọa quân sự từ Mỹ.
Vậy cuộc chiến với/chống lại Iran sẽ ra sao (nếu diễn ra)? Thời gian, tương quan lực lượng, thương vong về dân thường và binh lực, chi phí cho cuộc chiến sẽ như thế nào?
Theo trang mạng Think Progress, cuộc tấn công vào Iraq năm 2003 đã khiến Mỹ tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD, khiến ít nhất 4.887 lính Mỹ và 206.000 dân thường Iraq thiệt mạng.
Tất nhiên, những câu hỏi trên chỉ mang tính chất suy đoán, bởi chúng ta không thể biết chắc được điều gì có thể xảy ra trong chiến tranh. Có những sự kiện có thể làm thay đổi hoàn toàn tiến trình của một cuộc xung đột.
Trước đó, thượng nghị sĩ Mỹ Thomas Cotton dự đoán Mỹ có thể hủy diệt Iran chỉ bằng hai đòn tấn công nếu xung đột nổ ra.
Trong khi đó, theo ông Gil Barndollar – Giám đốc chương trình các nghiên cứu Trung Đông tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, đồng thời là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, từng tham chiến tại Afghanistan và vịnh Ba Tư:
Ngay cả nếu có được những điều kiện thuận lợi nhất (như Iran không tấn công bằng tên lửa, vũ khí hóa học/sinh học) thì Mỹ vẫn phải mất "hàng tháng trời để điều động binh lính" cho chiến dịch này.
Địa hình của Iran sẽ gây khó khăn cho các lực lượng Mỹ nếu tấn công.
"Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ hiện nay có tổng cộng 600.000 quân thường trực. Số quân này không đủ lớn để tấn công Iran. Ngay cả nếu huy động toàn bộ lực lượng vệ binh quốc gia và quân dự bị thì Mỹ vẫn sẽ cảm thấy không thỏa mãn nếu tấn công Iran bằng một lực lượng chỉ có quy mô chừng ấy".
Ông Barndollar cho rằng khó có thể dự đoán được chi phí và mức độ thương vong của cuộc chiến.
Theo vị chuyên gia, có 2 yếu tố chính cần cân nhắc là diện tích và "địa hình dị biệt" của Iran, đây sẽ là một phần chiến lược của nước này để "làm thịt từng phần" các lực lượng xâm lược.
Dân số của Iran đông gấp 2 lần Iraq hoặc Afghanistan, và diện tích nước này lớn gần bằng Tây Âu. Ông Barndollar lưu ý rằng "Ba mặt của Iran có núi bao quanh, còn mặt thứ 4 hướng ra biển".
Nếu muốn tấn công bằng đường bộ, Mỹ phải được các nước láng giềng của Tehran cho phép đi qua lãnh thổ của họ để tiếp cận biên giới Iran, tuy nhiên, "cơ hội này rất nhỏ".
Ngay cả Iraq – nơi Mỹ đang triển khai hơn 5.000 quân – cũng đã nêu rõ lập trường của mình: Không phía nào được sử dụng lãnh thổ Iraq làm bàn đạp để tiến hành chiến tranh ủy nhiệm với Iran.
Nếu tấn công bằng đường biển, hạm đội tàu của Mỹ sẽ hứng chịu nhiều hỏa lực từ phía Iran.
Nếu tiếp cận từ hướng biển – vịnh Ba Tư – thì "một cuộc tấn công đổ bộ thậm chí còn đầy rủi ro hơn nữa" – ông Barndollar nhận định.
"Hải quân Mỹ sẽ phải tập hợp được đủ các tàu đổ bộ để đưa ít nhất 1 Lữ đoàn tác chiến viễn chinh của Thủy quân lục chiến tới đây, khoảng 15.000 lính" – ông Barndollar nói.
Điều đó có nghĩa lực lượng tàu thương thuyền cũng có thể sẽ được điều động trong khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng.
Hạm đội này sẽ hứng chịu nhiều hỏa lực từ phía Iran. "Tên lửa, thủy lôi, tàu ngầm và tàu tấn công nhanh – trong đó có các tàu tự sát – sẽ tạo ra mối đe dọa khổng lồ đối với các tàu chiến của Mỹ" – ông Barndollar nhận định.
Các mục tiêu hạt nhân?
Chiến dịch quân sự Mỹ chắc chắn sẽ phải có các cuộc tấn công đường không nhưng số lượng mục tiêu đông đúc sẽ khiến Mỹ cạn kiệt các loại đạn dược dẫn đường chính xác.
Liệu có cuộc không kích nào trong số này nhằm vào các cơ sở năng lượng hạt nhân của Iran? Suy cho cùng thì chương trình hạt nhân vẫn là nguyên nhân khiến chính quyền Trump gay gắt với Tehran.
Ông Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA), trong đó, Iran được nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu cam kết cắt giảm bớt chương trình làm giàu hạt nhân.
Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức quyết định tiếp tục duy trì thỏa thuận này và chương trình hạt nhân Iran vẫn đang nằm dưới sự kiểm tra của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hiệp Quốc.
Các lò phản ứng hạt nhân của Iran đã trở thành mục tiêu dễ bị tấn công vào mùa hè năm ngoái, không bao lâu sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ trang, nhận định, mặc dù cả Mỹ và Iran đều có trong tay nhiều loại vũ khí quy ước, có thể tiến hành các cuộc không kích, nhưng một số cơ sở hạt nhân của Iran được xây dựng dưới lòng đất nên không rõ mức độ thiệt hại mà các cuộc tấn công này có thể gây ra lớn tới mức nào.
"Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đã đạt được thành công qua kênh ngoại giao và qua thỏa thuận JCPOA nhằm giới hạn năng lực của Iran trong việc sản xuất đủ nguyên vật liệu để chế tạo dù chỉ một quả bom nguyên tử trong thời gian 12 tháng.
Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất, Iran cũng phải mất nhiều năm mới tạo ra được bất cứ mối đe dọa hạt nhân nào với Mỹ" – ông Kimball nói.
Bất cứ cuộc thảo luận nào về khả năng tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran "đều không phù hợp với bối cảnh đe dọa hiện nay".
Song, cũng theo vị chuyên gia, nếu xét tới tuyên bố của ông Trump cuối tuần trước thì cần phải cân nhắc tới một cuộc tấn công hạt nhân từ Mỹ.
"Bất cứ cuộc xung đột hạt nhân nào, dù chỉ với số lượng tương đối nhỏ và sức công phá tương đối thấp, như loại bom đã thổi bay thành phố Hiroshima – đều sẽ gây ra những hệ quả thảm khốc" – ông Kimball cho hay.
Mặc dù vậy, mối lo ngại hiện nay là trong chiếc "nồi áp suất" chật chội (bởi các tàu chở dầu và sự hiện diện quân sự của các phía) – vịnh Ba Tư – mọi thứ có thể vô tình đi sai hướng.
"Nguy cơ sẽ cao hơn bởi tính toán sai lầm từ mỗi phía hoặc một sự vụ nhỏ có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn" – vị chuyên gia nhận định.