Trong khi các cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn về việc hai máy bay không người lái (UAV) rơi xuống Beirut vào hôm qua (25/8) là của Israel hay Iran thì vấn đề nan giải mà Tel Aviv đang phải đối mặt vẫn quá rõ ràng: Họ không có giải pháp toàn vẹn nào để đối phó với các cuộc tấn công từ UAV (Xem thông tin về vụ việc tại đây)
Theo tờ Jerusalem Post, không chỉ không có phương thức phòng thủ chống lại cuộc tấn công UAV quy mô lớn mà nhiều đối thủ có thể triển khai, Israel còn chưa tìm được câu trả lời cho sự chênh lệch quá lớn giữa các UAV chi phí thấp và các phương thức phòng thủ chi phí cao.
Israel đã đạt được một số bước tiến kể từ khi Ủy ban tài chính của nước này công bố một bản báo cáo vào tháng 11/2017, trong đó mô tả Israel đã thiếu sự chuẩn bị như thế nào trước các cuộc tấn công bằng UAV do Hamas, Hezbollah hoặc Iran tiến hành.
UAV có kích cỡ nhỏ hơn và khó đánh chặn hơn các loại rocket mà Hamas và Hezbollah đã triển khai trước đó. Nhờ có độ cơ động cao, chúng có khả năng xâm nhập vào Israel cao hơn nếu tổ chức tấn công phối hợp.
Cho đến thời điểm hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bắn hạ một số UAV bằng tên lửa không-đối-không hoặc đất-đối-không. Tuy nhiên, họ cũng đã để lọt một số lần và chưa từng phải đối mặt với một cuộc tấn công phối hợp nào bằng UAV – điều mà giới phân tích tin rằng có thể áp đảo các hệ thống phòng thủ hiện nay của Tel Aviv.
Do đã nắm rõ được những hạn chế của IDF trong việc đánh chặn UAV khi chúng đã bay lên không trung nên phần lớn chiến lược của Israel tập trung vào mục tiêu phá hủy các xưởng sản xuất UAV trước khi chúng được triển khai.
Mặc dù các công ty quốc phòng tư nhân đã phát triển nhiều giải pháp để gây nhiễu và chiếm quyền kiểm soát UAV nhưng đến nay những phương án của họ vẫn còn nhiều hạn chế.
Hệ thống tích hợp phòng không trên biển hạng nhẹ (LMADIS) trên boong tàu Boxer. Ảnh: USMC
Tháng 7 vừa qua, Hệ thống tích hợp phòng không trên biển (LMADIS) của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã gây nhiễu một UAV của Iran bay cách tàu chiến Mỹ khoảng 1.000m. LMADIS đã sử dụng radar và camera để dò quét, phát hiện các UAV và tiến hành phân biệt địch-ta. Sau đó, nó dùng tần số radio để gây nhiễu các UAV này.
Tuy nhiên, hệ thống LMADIS, và một số hệ thống tương tự khác, có thể gây tốn kém hàng trăm triệu UAD, và vẫn chưa thực sự đáng tin cậy trước một cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV.
Trước đây, Israel cũng từng đối mặt với vấn đề nan giải này.
Trong cuộc chạy đua vũ trang với Hamas và Hezbollah, Tel Aviv đã trang bị cho mỗi đơn vị vũ trang của mình hệ thống phòng thủ Iron Dome hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa khác. Khoản đầu tư này lớn hơn nhiều so với những gì mà đối thủ của họ chi trả cho các loại rocket giá rẻ hoặc tự chế.
Israel hiện chưa có phương thức phòng thủ toàn vẹn để đối phó với các cuộc tấn công UAV.
Tuy nhiên, tại hội nghị an ninh Maariv hồi tháng 5 năm nay, Viện các nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) và thiếu tá Không quân Israel Liran Antebi đã lưu ý rằng, Israel vẫn đang ở thế bất lợi ngay cả khi đã đầu tư để tăng cường năng lực phòng thủ UAV, bởi quá trình này quá chậm chạp và quan liêu.
Bà Antebi cho biết điều đó có thể rất khó giải quyết khi đối mặt với các đối thủ như Hamas và Hezbollah bởi những tổ chức này có thể sản xuất UAV một cách nhanh chóng.
Hiện chưa rõ Israel đã ra mắt thành công công nghệ mới, bắn hạ UAV Iran hay thiệt hại UAV của chính mình. Song, qua những gì đã diễn ra trên bầu trời Beirut trong hôm qua, có thể thấy rằng ngày mà Israel phải liên tục phòng thủ trước cuộc tấn công ồ ạt của UAV đang đến rất nhanh.
Nếu Israel cứ chờ đợi tìm kiếm giải pháp phòng thủ do sự chênh lệch về mặt chi phí trong tác chiến phi đối xứng, rồi lại chần chừ đầu tư vào các công nghệ phát hiện đường hầm tấn công của Hamas thì hậu quả dành cho họ có thể sẽ thảm khốc hơn nhiều so với Chiến dịch Vành đai Bảo vệ (Operation Protective Edge) năm 2014.
Hệ thống tích hợp phòng không trên biển hạng nhẹ (LMADIS) tại triển lãm SAS19