Viễn cảnh 480 triệu người già ở TQ và bài toán dân số làm đau đầu chính quyền Bắc Kinh

Tất Đạt |

Hiện tại, Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cùng lúc lại phải giải quyết tình trạng dân số già hóa và lực lượng lao động giảm sút.

Trước khi con trai ra đời, cô Chen Huijuan vẫn có thể thoải mái mua đồ dưỡng da, quần áo và đi chơi cùng bạn bè. Nhưng hiện tại, mua một chiếc váy mới cũng là lựa chọn xa xỉ.

Sống tại thành phố Tô Châu - phía đông tỉnh Giang Tô, cô Chen kiếm được 5.000 NDT (khoảng 730 USD) mỗi tháng nhờ công việc giáo viên trường phổ thông. Chồng cô có thu nhập 16.000 NDT (khoảng 2.500 USD)/1 tháng với việc hoạt động trong bộ phận bán hàng của một công ty Mỹ ở gần Thượng Hải.

Chi phí nuôi đứa con 2 tuổi Xiyan đã chiếm ít nhất 1/3 thu nhập của cả gia đình. Theo so sánh của CNN, tại Mỹ, con số này chỉ là 1/5.

Khó khăn tài chính của cô Chen đã phản ánh sự khó khăn mà hàng triệu gia đình trung lưu trong xã hội Trung Quốc đang gặp phải. Đây cũng là nguyên nhân khiến chính quyền Bắc Kinh gặp rắc rối lớn trong việc cải thiện tỉ lệ sinh toàn quốc.

3 năm trước, Bắc Kinh đã nới lỏng quy định nghiêm khắc về chính sách 1 con vốn đã được áp dụng trong hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, kết quả không như Bắc Kinh mong đợi.

Tỉ lệ tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại trong năm 2018 với 15,23 triệu ca sinh mới, giảm 2 triệu ca so với cùng kì năm 2017 - theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy hơn 50% gia đình Trung Quốc không có ý định sinh con thứ 2, phần lớn vì lí do tài chính.

"Tôi sẽ không bao giờ sinh con thứ 2. Quá tốn kém," cô Chen nói.

Viễn cảnh 480 triệu người già ở TQ và bài toán dân số làm đau đầu chính quyền Bắc Kinh - Ảnh 1.

Cô Chen Huijuan, giáo viên phổ thông ở Trung Quốc. Ảnh: CNN

Đây là vấn đề khiến Bắc Kinh đau đầu hơn bao giờ hết. Hiện tại, Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cùng lúc lại phải giải quyết tình trạng dân số già hóa và lực lượng lao động giảm sút.

Năm 2017, có hơn 240 triệu người Trung Quốc đã ngoài 60 tuổi - tương đương 17% dân số.

Con số này được dự đoán sẽ tăng tới 30% vào năm 2050 - tức là khoảng 480 triệu người. Tới năm 2030, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu vào đà giảm. Việc này khiến nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ "già trước khi kịp giàu".

Chi phí đắt đỏ

Các ông bố bà mẹ và chuyên gia cho biết chi phí nuôi trẻ nhỏ ở Trung Quốc đã tăng đáng kể khi mức sống tại quốc gia này được cải thiện và niềm tin của người dân vào mặt hàng nội địa ngày càng giảm sút.

Ví dụ, cô Chen không bao giờ mua sữa bột Trung Quốc cho con trai mà thường lựa chọn những sản phẩm nhập khẩu của các hãng nước ngoài với mức giá cao hơn.

Năm 2008, bê bối sữa trẻ em Trung Quốc đã khiến ít nhất 6 em thiệt mạng, gây sỏi thận và vấn đề đường tiết niệu ở hàng trăm nghìn em khác. Vụ việc vẫn ám ảnh nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc cho tới ngày nay.

Cô Chen thậm chí còn không tin tưởng thực phẩm ở địa phương. Thay vào đó, bé trai Xiyan thường ăn thịt bò, cá tuyết và cá hồi nhập khẩu.

Viễn cảnh 480 triệu người già ở TQ và bài toán dân số làm đau đầu chính quyền Bắc Kinh - Ảnh 2.

Chi phí nuôi con tốn tới 1/3 tiền lương của hai vợ chồng cô Chen. Ảnh: CNN

Chi phí giáo dục và giải trí cũng là khoản tốn kém khác. Wang Dan, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Wah Ching của Đại học Hong Kong, Trung Quốc, nói: "Cho tới những năm 1990, hầu hết người dân ở Trung Quốc đều cho con cái học trường công - miễn phí hoặc chi phí thấp - nhưng bây giờ giáo dục đã thay đổi rất nhiều. Tất nhiên, chi phí cũng sẽ tăng cao".

Nhận thức được áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong xã hội, từ lúc mang thai, cô Chen đã mua cho Xiyan đồ chơi giáo dục để cậu bé "không thua từ vạch xuất phát".

Theo Manhong Lai - Phó Giáo sư tại Đại học Hong Kong, các gia đình Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học khi còn trẻ.

Nhưng bà Lai cho biết chính sách một con đã khiến các bậc phụ huynh dồn hết tâm huyết vào đứa con duy nhất, buộc những đứa trẻ phải học hành nghiêm túc hơn. "Cuộc đua vào trường tốt rất khốc liệt, và cha mẹ học sinh rất nghiêm túc và đặt kì vọng cao cho con mình."

Cô Chen và chồng dành 5.000 NDT mỗi tháng để đóng tiền cho con trai học tại trung tâm song ngữ - số tiền này bằng toàn bộ tháng lương của cô Chen.

Ở Trung Quốc hiện tại, trẻ em không chỉ học giáo dục phổ thông mà còn tham gia các hoạt động ngoại khóa đắt đỏ khác.

Viễn cảnh 480 triệu người già ở TQ và bài toán dân số làm đau đầu chính quyền Bắc Kinh - Ảnh 3.

Những lần đi tới bệnh viện đều tiêu tốn rất nhiều tiền của cô Chen. Ảnh: CNN

Fan Meng và chồng đều là những chuyên gia cấp cao tại Bắc Kinh, nhưng họ đều khẳng định sẽ không sinh con thứ 2. "Ngày nay, nuôi con rất tốn kém," cô Fan nói.

Cô con gái 5 tuổi của cô Fan không chỉ chơi nhạc cụ - đàn tranh Trung Quốc - mà còn thích trượt tuyết và lặn. Fan nói cô muốn ủng hộ con gái mình, kể cả khi chi phí có cao đến mức nào đi chăng nữa.

"Trẻ nhỏ ngày hôm nay không giống như thế hệ trước. Chúng tôi hồi đó chỉ có đi học. Bây giờ con gái tôi còn có sở thích riêng," cô nói.

Chi phí y tế tăng cao

Nhiều phụ huynh lo ngại các loại chăm sóc y tế do chính phủ cung cấp là không đủ để phòng tránh những bệnh dịch nguy hiểm.

Ví dụ, con trai của cô Chen có vấn đề về đường ruột, dạ dày và phải tới bệnh viện mỗi tháng 1 lần.

Nhưng kể cả sau khi Chen tìm được một bác sĩ tốt, cô vẫn phải thường xuyên để mắt để đảm bảo con trai có được chăm sóc y tế tốt nhất.

Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển có tỉ lệ bác sĩ/bệnh nhân thấp nhất thế giới. Hệ thống y tế công quá tải khiến nhiều bệnh nhân không được chữa trị hiệu quả.

"Tôi luôn muốn con trai nhận được những điều tốt nhất. Bác sĩ tốt nhất, đồ chơi tốt nhất, giáo dục tốt nhất," Chen nói.

Chính quyền Trung Quốc đã có nhiều hỗ trợ cho các cặp đôi sinh con thứ 2, ví dụ như hỗ trợ tiền mua sữa bột, tăng ngày nghỉ làm cho mẹ.

Tại tỉnh Hồ Bắc, một thành phố còn có chính sách miễn phí vận chuyển hàng hóa cho những phụ nữ sinh con thứ 2, trong khi một thành phố khác cấp khoản tiền 1.200 NDT cho những công dân sinh thêm con.

Tuy nhiên, cô Chen nói các cặp đôi mới là người quyết định họ có bao nhiêu con.

"Sinh con hay không là lựa chọn cá nhân của cả cuộc đời. Đối với tôi, một con là đủ. Tôi chỉ có thể đầu tư cho một đứa, cả về thời gian và tiền bạc," cô Chen nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại