Viêm nướu răng và những nguy hại
Nướu răng có nhiệm vụ che chở răng khỏi các vi khuẩn và giữ chân răng được chắc chắn. Vì vậy, khi nướu răng bị viêm thì lớp bảo vệ này bị phá hỏng, răng sẽ bị tác động nghiêm trọng. Thông thường, viêm nướu răng sẽ phát triển qua các giai đoạn sau:
Ban đầu nướu sưng đỏ, màu từ hồng chuyển dần sang màu đỏ rồi đỏ nâu sậm, dễ chảy máu chân răng. Nếu tình trạng này kéo dài, nướu sẽ bị bóc tách khỏi chân răng và dịch chuyển dần về phía chóp răng, làm chân răng lộ ra bề mặt gây nên bệnh tụt nướu. Khi viêm phát triển tới tình trạng quá nặng, các tổ chức quanh răng đã bị phá hủy, các dây chằng, mô nướu ở chân răng bị hỏng hoàn toàn.
Viêm nướu răng còn gây ảnh hưởng rất nhiều đến nhiều hệ thống xương nâng đỡ răng, làm cho xương ổ răng bị tiêu mất, răng bị lung lay, cuối cùng phải nhổ bỏ răng.
Đối với phụ nữ có thai, viêm nướu răng còn gây nguy hiểm do tăng tiết prostaglandin - yếu tố gây nên sự co thắt và giãn nở của tử cung, có thể gây sinh non.
Viêm nướu răng ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống xương nâng đỡ răng.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém, khiến các mảng bám hình thành. Mảng bám này lâu dần sẽ thành cao răng - là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào khoang miệng, gây viêm nhiễm vùng nướu răng.
Ngoài ra, viêm nướu răng còn do các nguyên nhân khác như: Do bệnh đái tháo đường, bạch cầu, suy giảm miễn dịch (HIV); những người thường xuyên bị khô miệng; thói quen hút thuốc lá; người đang mang thai, đang hành kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai cũng làm thay đổi nội tiết dẫn tới bệnh viêm nướu.
Do bệnh viêm nướu ít khi gây đau đớn (chỉ khi bị nặng mới thấy đau), nên nhiều người bị bệnh viêm nướu mà không biết. Nướu răng khỏe mạnh là răng chắc và nướu có màu hồng nhạt, nếu thấy nướu răng có các biểu hiện sau đây cần nghĩ ngay đến bệnh viêm nướu: Nướu răng sưng, màu đỏ sẫm và dễ chảy máu khi dùng bàn chải hoặc dùng chỉ nha khoa, đôi khi được xem như đỏ hoặc hồng trên bàn chải hay chỉ nha khoa.
Sự thay đổi màu của nướu răng từ một màu hồng khỏe mạnh đến nâu sẫm đỏ; hơi thở hôi...
Phòng và điều trị viêm nướu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm nướu là thực hiện vệ sinh răng miệng tốt và thực hành trong suốt cuộc đời. Cần đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Cần dùng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng sẽ giúp vệ sinh răng sạch sẽ hơn.
Nên đi kiểm tra răng miệng thường xuyên 6 tháng/lần. Nha sĩ sẽ xác định tình trạng viêm nướu răng, sâu răng và bệnh nha khoa khác trước khi chúng gây ra triệu chứng phiền hà và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Về điều trị viêm nướu thường vừa giúp khỏi được các triệu chứng của bệnh, vừa ngăn chặn sự tiến triển của bệnh nướu nghiêm trọng. Hiệu quả điều trị đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp của nha sĩ cùng với sự hợp tác của bệnh nhân trong việc tăng cường vệ sinh răng miệng tại nhà.
Viêm nướu thường đỡ hơn sau khi làm sạch chuyên nghiệp toàn diện. Sau đó bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện vệ sinh răng miệng thật tốt ở nhà. Nếu thực hiện đúng các bước điều trị và tự vệ sinh răng miệng, thì tình trạng viêm nướu sẽ mau chóng được phục hồi trong vài ngày, muộn nhất là vài tuần. Sau đó tiếp tục duy trì vệ sinh răng miệng và tái kiểm tra răng miệng định kỳ để ngăn ngừa viêm nướu tái diễn.