Một phụ nữ 71 tuổi giấu tên ở bang Arizona, Mỹ sau khi tìm hiểu trên mạng biết được nghệ mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó có ngăn ngừa đột quỵ. Vì vậy, bà đã thường xuyên ăn nghệ.
Không những thế, bà còn uống tới 20 loại thuốc và dược liệu khác nhau, từ thuốc giúp hỗ trợ tuyến giáp cho đến hội chứng ruột kích thích.
Sau 8 tháng chăm chỉ uống bột nghệ, trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, bà được các bác sĩ phát hiện có chỉ số men gan cao bất thường.
Các xét nghiệm khác chỉ ra người phụ nữ mắc bệnh viêm gan tự miễn, tức hệ miễn dịch của cơ thể tấn công gan, gây viêm và tổn thương gan. Do không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nên các bác sĩ chưa có phương hướng điều trị cụ thể.
Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm gan là do sử dụng tới 20 loại thuốc bổ bà uống mỗi ngày. Tuy nhiên, bà đã uống theo các liều thuốc này trong 2 năm qua và không bị tác dụng phụ nào.
Mãi cho tới 3 tháng sau đó, bà tình cờ đọc được một bài viết nói rằng ăn nhiều bột nghệ có thể hại gan và liên tưởng đến căn bệnh của mình. Đến lúc này, bà mới nói với bác sĩ về thói quen sử dụng bột nghệ.
Cuối cùng, sự nghi ngờ của bà đã đúng khi bà ngừng sử dụng bột nghệ, bởi lúc này chỉ số men gan có dấu hiệu giảm nhanh chóng. Hơn một năm sau, chức năng gan của người phụ nữ đã hồi phục bình thường mà không cần phải điều trị.
Ngoài trường hợp này, các bác sĩ cũng xem xét dữ liệu từ 35 nghiên cứu khác và phát hiện một nửa số người dùng viên nghệ bị giảm chức năng gan.
Ngoài ra, có 5% trường hợp gặp vấn đề về gan do sử dụng quá nhiều chất bổ sung, trong đó có nghệ. Cụ thể, những người gặp phải tình trạng này chủ yếu là người cao tuổi hoặc người nghiện rượu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn không khẳng định rằng nghệ có phải là thứ trực tiếp gây ra bệnh gan cho bà cụ hay không, bởi đó có thể là hậu quả của sự kết hợp giữa nghệ và các chất bổ sung khác mà bà đã sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng nghệ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, ngăn ngừa loãng xương, tăng cường hệ miễn dịch,… thậm chí còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ rõ không nên lạm dụng việc bổ sung nghệ. Một số trường hợp để đạt được hiệu quả tối ưu cần phải điều chế đúng cách chứ không phải thông qua đường ăn. Nếu không, ghệ có thể hóa thành độc dược, gây hại đến sức khỏe.
Dưới đây là một lưu ý khi sử dụng nghệ:
- Người có vấn đề về túi mật như bị sỏi mật, tắc nghẽn đường mật không nên dùng nghệ, bởi nghệ sẽ khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
- Một số hợp chất trong nghệ nếu tiêu thụ vào cơ thể quá nhiều có thể làm chậm quá trình đông máu, từ đó làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu ở những người bị rối loạn chảy máu.
Bên cạnh đó, nếu đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc liên quan đến tiểu cầu, bạn cũng nên lưu ý khi sử dụng nghệ. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng nên ngừng sử dụng nghệ ít nhất 2 tuần để ngăn chặn tình trạng máu khó đông.
- Người mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng khi dùng nghệ bởi chất Curcumin trong nghệ có thể làm giảm lượng đường trong máu.
- Những bệnh nhân đang uống thuốc hỗ trợ HIV hay uống thuốc trầm cảm cũng không nên ăn nghệ.
- Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), thiếu sắt nên thận trọng khi dùng nghệ, bởi sử dụng nghệ ở liều lượng cao có thể khiến bệnh GERD thêm tồi tệ và ngăn chặn sự hấp thu sắt của cơ thể.
- Nghệ có thể làm giảm nồng độ testosterone và giảm sự di chuyển của tinh trùng, từ đó có thể làm giảm khả năng sinh sản ở đàn ông. Do đó, những người đang cố gắng có con không nên dùng nghệ quá nhiều.
- Trong thời gian mang thai và cho con bú, phụ nữ không nên uống thuốc bổ sung nghệ bởi loại gia vị này có thể gây kích thích tử cung, khiến thai nhi gặp nguy hiểm.
- Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng sử dụng nghệ với liều lượng quá cao có thể khiến nhịp tim không ổn định, gây hoang tưởng, sốt nhẹ, đau bụng, sỏi thận, đồng thời có thể khiến các triệu chứng phát ban, viêm khớp, ợ nóng, trào ngược dạ dày trầm trọng hơn.
* Theo Dailymail/ WebMD