Viêm amidan do liên cầu: Chữa trị sớm để ngừa biến chứng

BS. Trần Văn Công |

Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều ca bệnh viêm amidan do liên cầu khuẩn. Mặc dù việc điều trị căn bệnh này không phải khó khăn, nhưng nếu chủ quan, điều trị không đúng và kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thấp tim, có thể dẫn tới suy tim; viêm cầu thận cấp, có thể dẫn đến suy thận.

Làm sao để nhận ra con bị viêm họng do liên cầu?

Bệnh thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi, học sinh cấp 1, cấp 2; có thể tạo thành dịch, do liên cầu khuẩn dễ bị lây lan qua đường hô hấp. Trẻ bị sốt, kèm theo tình trạng cơ thể mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, chán ăn... dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm.

Do vậy cần căn cứ vào những triệu chứng đi kèm khác như: amidan sưng tấy, đỏ, trên bề mặt amidan có những chấm mủ hoặc mảng mủ; lưỡi gà đỏ rực, xuất hiện những chấm đỏ li ti ở vùng vòm - lưỡi gà (thường là những chấm xuất huyết hoặc nốt lần sần nhỏ lưỡi gà); khó thở, ngáy to (hô hấp cũng bị ảnh hưởng khi tổ chức amidan bị viêm.

Tình trạng ngáy to nhất là vào ban đêm và đường thở bị cản trở là điều có thể dễ nhận thấy).

Trẻ lớn có thể kêu đau họng, có thể kèm thêm triệu chứng đau bụng, nổi ban đỏ khắp cơ thể. Ban giống như rôm sảy, li ti đỏ và rất ngứa. Ban thường xuất hiện sau sốt 1-2 ngày và tự hết trong vòng 2-5 ngày. Trẻ nổi hạch cổ (dưới hàm) và đau.

Nếu các triệu chứng rõ, có 4-5 triệu chứng điển hình như trên thì điều trị ngay.

Nếu triệu chứng không rõ, trẻ nhỏ hơn chưa biết kêu đau thì có thể phết họng làm test nhanh liên cầu. Nếu test nhanh âm tính mà vẫn nghi ngờ nên phết họng và gửi mẫu đi nuôi cấy. Không cần xét nghiệm máu trong bệnh này.

Dùng thuốc chữa và phòng như thế nào?

Viêm amidan có thể chữa khỏi và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm thông qua việc nhận biết sớm dấu hiệu bệnh viêm amidan . Việc điều trị tùy vào nguyên nhân gây viêm họng là virut hay vi khuẩn mà có phác đồ điều trị khác nhau.

Khi viêm amidan do liên cầu khuẩn thì ngoài thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chống ngứa, chống viêm... thì bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh.

Các kháng sinh có thể là penicillin, amoxillin... hoặc các thuốc kháng sinh khác cũng có thể thay thế nếu bị dị ứng penicillin.

Thời gian điều trị kháng sinh thường là 10 ngày. Mục đích của điều trị kháng sinh là ngừa di chứng thấp tim, ngừa biến chứng viêm cầu thận; hạn chế lây lan và rút ngắn thời gian của các triệu chứng.

Viêm amidan do liên cầu: Chữa trị sớm để ngừa biến chứng - Ảnh 1.

Cần phát hiện và điều trị sớm viêm họng do liên cầu để ngăn ngừa biến chứng.

Lưu ý, các điều trị cụ thể như sử dụng thuốc giảm đau (chủ yếu là paracetamol), thuốc chống ngứa desloratadine, thuốc chống viêm corticoid uống nhưng chỉ được kê đơn ở trường hợp đặc biệt và không được khuyến cáo thường quy dùng vì những tác dụng phụ của nó mang lại.

Ngoài dùng thuốc điều trị thì cần vệ sinh họng bằng nước muối... Đặc biệt, bù nước khi cần (nhất là đối với trẻ nhỏ, vì họng đau, dễ nôn và sốt cũng gây mất nước nên trẻ có nguy cơ mất nước cao, cần cho trẻ uống nước mát và theo dõi trẻ).

Quan trọng nhất là theo dõi nước tiểu (nếu 4-6 giờ liên tục trẻ không đi tiểu hoặc không ướt tã hãy cho trẻ tới gặp bác sĩ ngay)...

Trong trường hợp điều trị nội khoa mà viêm amidan tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ cân nhắc tới biện pháp phẫu thuật cắt bỏ amidan. Chỉ định cắt amidan khi:

Viêm amidan mạn tính, tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi.

Chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán.

Viêm amidan gây biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp, áp-xe quanh amidan, viêm hạch cổ...

Amidan phì đại gây tắc nghẽn, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó nuốt, khó nói.

Lưu ý: Nếu viêm amidan do liên cầu khuẩn thì bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại nhà, không tới trường hoặc cơ quan ít nhất 24 giờ sau khi nhận được liều kháng sinh đầu tiên để tránh lây lan cho người khác.

Để phòng bệnh, cần thực hiện đầy đủ những việc sau giúp hạn chế nhiễm bệnh: rửa tay bằng xà bông thường xuyên hoặc sát trùng tay nhanh bằng cồn; vệ sinh các mặt phẳng, đồ chơi để tránh lây lan giữa các bé; che miệng khi ho, hắt hơi; mang khẩu trang khi bị bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; tiêm ngừa đầy đủ: cúm, phế cầu...; tránh khói bụi, thuốc lá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại