Video: "Thủy quái" phát sáng trên biển California thách thức giới khoa học sinh vật biển:
Video: "Thủy quái" phát sáng trên biển California thách thức giới khoa học sinh vật biển
Câu chuyện về "thủy quái" xuất hiện ở bờ biển Newport, California (Mỹ) gây tranh cãi khi những hình ảnh rõ nét của chúng được một nhiếp ảnh gia quay lại.
Đừng sợ hãi, "thủy quái" mà chúng ta đang nói đến chỉ là những chú cá heo đáng yêu đang phát sáng lấp lánh như dạ quang mà thôi.
Thiên nhiên thật tuyệt vời!
Đàn cá heo lạc vào vùng biển phát ra ánh sáng huỳnh quang tạo ra màu xanh rực rỡ đẹp mắt trong đêm.
Patrick Coyne chia sẻ: "Chúng tôi đã đi dạo trong vài giờ và trên đoạn đường cuối cùng bất ngờ gặp cảnh cá heo bật lên nhảy múa rồi phát ra ánh sáng đáng kinh ngạc".
Nhưng những chú cá heo này tại sao lại có khả năng phát sáng?
Phải chăng đây là cá heo từ thời tiền sử?
Đó là một sự ngẫu nhiên hết sức thú vị giữa hiện tượng biển phát quang và sự xuất hiện tình cờ của cá heo trong khung cảnh ấy.
Biển phát quang là một phản ứng sinh hóa của các sinh vật phù du trên mặt biển. Dưới đây là một số hình ảnh thú vị về hiện tượng biển phát quang:
Quả thực rất hiếm để bắt gặp hiện tượng này và việc ghi lại được cảnh quay đòi hỏi điều kiện hoàn hảo và một chút may mắn.
Các nhà khoa học giải thích rằng bãi biển phát ra ánh sáng là nhờ một số loại sinh vật phù du sống lẫn trong nước biển, chúng là tảo dinoflagellate.
Những sinh vật phù du khá nhạy cảm với bất cứ chuyển động nào. Khi chúng bị kẻ săn mồi rình rập, mỗi sinh vật nhỏ bé phát ra tia sáng gần giống như chiếc chuông báo trộm.
Ánh sáng của chúng được tạo ra bởi một loại sắc tố và enzyme có tên luciferase. Khi phản ứng với oxy, chúng sẽ tạo ra ánh sáng. Hiện tượng tảo phát quang này thường xuất hiện vào những đêm không trăng.
Nếu có cả một nhóm tảo tập trung với nhau, nó sẽ cùng lúc tạo ra một khu vực màu xanh đẹp mắt.
Đến nay, khả năng phát dạ quang của loài tảo nổi trên vẫn chưa có lời giải đáp hoàn toàn cặn kẽ. Người ta đã phát hiện ra một chất đặc biệt trên màng tế bào của sinh vật phù du này. Chất này có phản ứng hóa sinh đặc biệt và nhạy cảm với tín hiệu điện, có thể đây chính là nguyên nhân gây phát sáng.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Rush ở Chicago đã khẳng định, loài tảo này có đầy đủ các yếu tố để kích hoạt sự phát sáng. Nó cho phép các proton mang điện tích dương đi qua, xung điện, sau đó lan truyền khắp các proton bên trong, kích hoạt các phản ứng hóa học. Cuối cùng, nó kích hoạt một protein có tên luciferase nhằm sản xuất ra ánh sáng dạ quang neon màu xanh.
Đây được cho là một sự kiện hiếm gặp trong tự nhiên. Theo các chuyên gia, sự việc xảy ra một đến hai lần trong năm.