Hình ảnh tên lửa PAC-3 CRI lao xuống đường phố Kiev.
Theo báo Mỹ, đoạn video được thực hiện bởi camera hành trình trên một chiếc ôtô đang lưu thông trên đường phố Kiev hôm 31/5 đã ghi lại khoảnh khắc tên lửa PAC-3 CRI của hệ thống Patriot lao xuống đường phố.
Cụ thể, quả đạn tên lửa từ trên cao bất ngờ lao thẳng xuống, quệt vào đèn tín hiệu giao thông và rơi xuống khoảng trống giữa hai làn xe.
Sau cú lao xuống mặt đường, mảnh tên lửa văng ra xung quanh và gây cháy khiến nhiều người hoảng sợ.
Chuyên trang quân sự Mỹ cho rằng, có thể quả đạn lao xuống là phần còn lại của tên lửa hoàn chỉnh sau khi đánh chặn thành công tên lửa của Nga hoặc nó đã kích hoạt chế độ tự hủy do bắn trượt mục tiêu.
Tuy nhiên, theo tài khoản WarMonitors chuyên theo dõi tình hình chiến sự Ukraine, nguyên nhân thực sự khiến quả đạn của Patriot lao xuống đường vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng không loại trừ khả năng tên lửa này đã bị tác chiến điện tử Nga áp chế.
Bởi ngay trước thời điểm PAC-3 CRI rơi, người ta đã thấy có sự xuất hiện của máy bay Il-22PP xuất hiện gần biên giới Ukraine. Thông tin này chưa được bất kỳ bên nào xác nhận.
Được biết, Il-22PP là máy bay trang bị hệ thống điện tử trên khoang được thiết kế đặc biệt để đối phó với những máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS), các hệ thống phòng không trên bộ (như MIM-104 Patriot của Mỹ), các máy bay có/không có người lái của đối phương.
Khi hoạt động, Il-22PP có thiết bị lọc tần số, tức là nó sẽ không gây nhiễu các hệ thống điện tử vô tuyến "thân thiện". Máy bay có tầm hoạt động lên tới 6.500km ở độ cao 8.800m và có tốc độ đến 685km/h.
Cùng khả năng gây nhiễu, Il-22PP còn có thể tự thực hiện các hoạt động tình báo điện tử và bảo vệ máy bay quân ta trước các thiết bị tác chiến điện tử của đối phương.
Il-22PP được Quân đội Nga dùng để thay thế các máy bay do thám tín hiệu điện tử Il-20M và hoạt động song song với các máy bay do thám Tu-214R cũng mới được phát triển của Nga.
Hiện nay, Ukraine đang được trang bị hai tổ hợp Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan chuyển giao để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở Kiev. Một tổ hợp trong số này đã bị hư hại trong đòn tập kích bằng tên lửa của Nga rạng sáng 16/5.
Để tăng cường phòng thủ cho Kiev, hôm 31/5, Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới 300 triệu USD cho Ukraine, trong đó có tên lửa cho hệ thống Patriot và nhiều tổ hợp phòng không tầm ngắn.
Lầu Năm Góc cho biết gói viện trợ 300 triệu USD cho Ukraine sẽ bổ sung tên lửa cho hệ thống phòng không tầm xa Patriot, cung cấp thêm tổ hợp phòng không tầm ngắn Avenger và tên lửa vác vai Stinger.
Mỹ cũng chuyển thêm tên lửa đối không AIM-7, đạn cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm, rocket Zuni và hơn 30 triệu viên đạn súng bộ binh.
Đây là gói viện trợ vũ khí thứ 39 của Mỹ dành cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự Washington dành cho Kiev từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022 lên 37,6 tỷ USD.
Dù viện trợ những vũ khí có tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Nga nhưng phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, nước này không ủng hộ Kiev mở các chiến dịch tiến công ngoài lãnh thổ.
"Chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm với phía Ukraine cả trong những cuộc họp kín và công khai, đó là Mỹ không ủng hộ tấn công lãnh thổ Nga. Chúng tôi không hỗ trợ và không khuyến khích họ làm vậy", ông Kirby cho biết.
Giới quân sự phương Tây đánh giá Nga gần đây mở các đợt tập kích liên tục bằng UAV giá rẻ nhằm làm cạn kiệt đạn dược cho những tổ hợp phòng không của Ukraine. Các quan chức Ukraine nhiều lần bày tỏ lo ngại với phương Tây về nguy cơ thiếu hụt tên lửa phòng không trước đợt phản công mà họ nhiều lần đề cập.
Đạn tên lửa của Patriot lao xuống đường phố Kiev.
Cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitsky ngày 19/5 nhận định Nga đang tập trung tấn công các cứ điểm và kho đạn để làm gián đoạn quá trình chuẩn bị phản công của họ, thay vì tìm cách phá hủy hạ tầng năng lượng như trước.
Theo đánh giá của War Zone, mỗi quả tên lửa PAC-3 CRI được trang bị cho hệ thống Patriot của Ukraine có giá khoảng 3,5 triệu USD và 5-8 triệu USD cho biến thể PAC-3 MSE hiện đại nhất.