Súng chống tăng Carl Gustav do Tập đoàn Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển sản xuất, chính thức được giới thiệu cho Quân đội Thụy Điển vào năm 1946 với biến thể M1. Theo dòng thời gian, súng đã có thêm các phiên bản hiện đại hóa bao gồm M2 (1964), M3 (1991) và M4 (2014).
Carl Gustav có kíp chiến đấu 2 người, trọng lượng 8,5 kg (phần ống phóng), chiều dài 1,1 m, tốc độ bắn 6 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 230 - 255 m/s, tầm bắn hiệu quả 170 - 1.000 m (tùy thuộc loại đạn sử dụng cũng như mục tiêu), tuổi thọ ống phóng đạt 100 phát bắn.
Súng chống tăng Carl Gustav
Carl Gustav có thể phóng nhiều loại đạn khác nhau bao gồm đạn xuyên lõm, đạn nổ phá mảnh chống bộ binh, đạn vạch đường, đạn khói, đạn hai tác dụng...
Đoạn video dưới đây ghi lại cuộc thử nghiệm đối với đạn xuyên lõm thế hệ mới HEAT 655 CS, loại đạn này giúp người lính có thể khai hỏa từ không gian hẹp để chống lại các mục tiêu bọc thép dày như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh...
Có thể thấy sau khi chọc thủng giáp hai bên thành xe chiến đấu bộ binh BMP-1, luồng xuyên của đạn còn tiếp tục xuyên qua một tấm thép dày đặt cách xa khoảng 10 m, đây là tính năng hiếm thấy đối với đạn HEAT (High Explosive Anti Tank).
Đạn nổ lõm HEAT 655 CS bắn xuyên táo xe chiến đấu bộ binh BMP-1
Bên cạnh đó, Carl Gustav còn được trang bị một loại đạn phổ biến khác là đạn 2 tác dụng HEDP 502 Impact (High Explosive Dual Purpose), ngoài tiêu diệt xe quân sự bọc giáp nhẹ, nó đặc biệt hiệu quả khi dùng để chống lại tường bê tông, tường gạch dày hay boong ke kiên cố...
Khác với đạn HEAT tập trung năng lượng vào một diện tích hẹp để tạo luồng xuyên phá mạnh, đạn HEDP khi nổ sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn hơn rất nhiều, đi kèm nhiệt độ và áp suất cực cao để gia tăng tối đa hiệu quả sát thương.
Nếu bị trúng đạn HEDP 502 Impact, toàn bộ binh lính trong xe chiến đấu bộ binh BMP-1 sẽ không thể sống sót được.
Thử nghiệm bắn đạn HEDP 502 Impact vào xe chiến đấu bộ binh BMP-1