Thanh niên 20 tuổi sống ở New Delhi (Ấn Độ) đã đến phòng cấp cứu sau khi bị đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trong một ngày, theo một bài báo khoa học đăng ngày 21/11 trên Tạp chí Y học New England.
Thanh niên giấu tên trước đó vẫn khỏe mạnh và không có bệnh lý nào được biết đến.
Các xét nghiệm cho thấy nam thanh niên có lượng bạch cầu cao, có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Nồng độ hemoglobin, một loại protein trong máu có chức năng vận chuyển oxy, cũng tăng cao.
Thanh niên 20 tuổi sống ở New Delhi (Ấn Độ) đã đến phòng cấp cứu sau khi bị đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trong một ngày (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ siêu âm bụng cho nam thanh niên. Trong quá trình này, họ thấy một "cấu trúc ... hình ống chuyển động cuộn tròn" trong dạ dày của anh.
Các bác sĩ sau đó yêu cầu thanh niên lấy mẫu phân để xét nghiệm ký sinh trùng. Họ phát hiện phân của anh có chứa trứng của giun đũa (Ascaris lumbricoides), một loại ký sinh trùng đường ruột.
Video siêu âm cho thấy giun đũa giãy giụa trong bụng nam thanh niên
A. lumbricoides là một trong những loài giun ký sinh ở người phổ biến nhất trên thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính có khoảng 800 triệu đến 1,2 tỷ người có A. lumbricoides trong ruột. Những con giun này có thể dài tới 35 cm.
Loài giun này thường được tìm thấy nhiều nhất ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới với hệ thống vệ sinh kém, CDC Mỹ cho biết. Loài giun này cực kỳ phổ biến ở Ấn Độ, Live Science đưa tin trước đó.
A. lumbricoides là một trong những loài giun ký sinh ở người phổ biến nhất trên thế giới.
Một người nhiễm giun khi ăn phải trứng của A. lumbricoides và điều này có thể xảy ra khi một người ăn trái cây hoặc rau được trồng trên đất bị ô nhiễm, theo CDC.
Đất có thể bị ô nhiễm nếu phân người được sử dụng làm phân bón hoặc nếu người bị nhiễm bệnh đi vệ sinh bên ngoài. Một người cũng có thể bị nhiễm giun đũa nếu tay có dính loại đất này và họ không rửa tay.
Trứng của giun đũa A. lumbricoides
Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng. Trong trường hợp này, nam thanh niên Ấn Độ được kê một loại thuốc chống ký sinh trùng tên là albendazole, và anh xuất viện sau một ngày. Vào lần tái khám 2 tuần sau đó, thanh niên cho biết anh cảm thấy khỏe và đã thải giun trong phân.
Ở những khu vực thường có loài giun này, cách ngăn ngừa lây nhiễm bao gồm rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi nấu ăn; rửa sạch, gọt vỏ hoặc nấu chín rau củ trước khi ăn; tránh tiếp xúc với đất có thể bị nhiễm phân người, theo CDC.
(Nguồn: Science Alert)
*Đọc thêm bài viết của tác giả Trà My tại đây!