Theo thông tin đã đưa, trong cuộc họp với toàn thể công nhân viên Công ty Cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch hội đồng quản trị Vivaso (đơn vị mua lại hãng) đã có những lời nói khiếm nhã với nghệ sĩ Quốc Tuấn.
Cụ thể, ông Nguyên nói: "Ở đây có đồng chí Tuấn, đi đâu cũng khóc như mưa. Tôi đang sợ có nơi khóc nghệ sĩ đau xót quá rồi treo cổ chết. Tôi đang dự phòng đây. Tôi nói thật với Quốc Tuấn, người ta gọi anh là Chí Phèo".
Liên lạc với nghệ sĩ Quốc Tuấn để tìm hiểu sự việc thì được biết câu nói xúc phạm trên nằm trong một cuộc họp diễn ra ngày 29/9 vừa rồi với mục đích yêu cầu các nghệ sĩ không "phát ngôn bừa bãi" nữa.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Thủy Nguyên có những lời nói khiếm nhã như vậy đối với các nghệ sĩ đang đứng lên đấu tranh bảo vệ Hãng phim đồng thời cung cấp một số đoạn ghi âm những câu nói gay gắt của ông Nguyên trong các cuộc họp trước đó.
Đoạn băng ghi âm ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch hội đồng quản trị công ti Vivaso nói những lời khiếm nhã với đạo diễn Quốc Tuấn trong cuộc họp ngày 29/9
- Khi ông Thủy Nguyên dùng những lời lẽ khiếm nhã để nói về anh thì phản ứng lúc đó của anh như thế nào?
Thực ra tôi cảm thấy rất bình thường vì điều đó không làm ảnh hưởng đến tư cách của tôi, nhưng lại bộc lộ chính cái phông văn hóa của ông ấy, bộc lộ chính bản chất con người của ông ấy.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chúng tôi bị nghe những lời lẽ như vậy mà rất thường xuyên. Tất cả những câu nói đó chúng tôi đều ghi âm lại và sẽ cung cấp cho báo chí.
Ông ta thường xuyên văng tục, mạt sát anh em nghệ sĩ là Chí Phèo, là ăn cắp, rồi giễu cợt "có ông treo cổ ở hãng phim Việt Nam". Ông ta gọi những người chống đối mình là "đối tượng" như kiểu đối tượng phạm tội.
Lần đầu tiên chúng tôi nghe cũng cảm thấy sốc, nhưng đến lần thứ 2 thì đã hiểu rõ chân dung ông ta rồi nên không còn cảm thấy sốc nữa.
Ví dụ như bây giờ ông ta bất ngờ nói năng lịch sự với chúng tôi, chúng tôi còn thấy ngạc nhiên ấy chứ. Tôi nghĩ cách làm tổn thương các nghệ sĩ cũng là một "bài" của ông ta, đánh vào lòng tự trọng để chúng tôi tự ái bỏ đi.
Nhưng chúng tôi đã tự nhủ với nhau phải nén lại để đấu tranh. Chính ông ta cũng không ngờ các anh em ở hãng phản ứng dữ dội như vậy.
- Điều khiến các nghệ sĩ cảm thấy bức xúc nhất trong sự việc này là gì, thưa anh?
Trong cuộc họp đầu tiên chỉ có 3 phòng là biên kịch, đạo diễn, quay phim, tôi đã nói với ông ấy thực ra quản lý nghệ sĩ dễ lắm anh ạ.
Anh chỉ cần cho nghệ sĩ môi trường được sáng tạo, thế thôi. Bởi chúng tôi đam mê sáng tạo, đam mê làm việc. Khi được làm việc, chúng tôi vừa được sáng tạo, vừa được có tiền. Nên ông chỉ cần cho chúng tôi công việc, là tất cả mọi việc sẽ suôn sẻ.
Ông Nguyên hứa rất nhiều nhưng lại chẳng thực hiện bất cứ điều gì. Đến bây giờ ông ta cũng không đưa ra được bất kỳ một định hướng nào để phát triển phim. Ngay cả một cái định hướng dòng phim, phim giải trí, phim thị trường, phim cách mạng hay gì đó để nghệ sĩ xác định cũng không có.
Rồi ông ta nói rằng chúng tôi không làm việc thì không được trả lương. Tôi đã chất vấn ông ấy rằng theo ông thế nào là làm việc? Mới đây ông ta ban hành quy định ngày làm việc 8 tiếng và mới lắp máy chấm công bằng dấu vân tay. Thử hỏi nghệ sĩ mà cứ suốt ngày ngồi 1 chỗ thì làm được cái gì?
Từ ngày về đây ông ấy không có bất cứ động thái làm phim nào cả mà chỉ loay hoay xiết cái nọ xiết cái kia để anh em bỏ đi thôi.
- Có thể việc lâu nay hãng phim hoạt động thua lỗ cũng có thể là một lý do khiến lãnh đạo mới dè chừng trước những quyết định đầu tư?
Công luận trách cũng đúng nhưng trách không chính xác. Mọi người cứ nói hãng phim truyện Việt Nam lâu nay thất bát, trì trệ. Thế nhưng lỗi không nằm ở các nghệ sĩ.
Hãng không có phim để làm, bọn tôi vẫn đi làm ngoài, vẫn tiếp cận với những trào lưu xu thế mới nhất của trị trường. Không có lương chúng tôi vẫn sống được, chúng tôi rất năng động đấy chứ.
Thế nhưng các anh không chịu tìm việc về cho anh em, các kịch bản được duyệt hằng năm cũng hạn chế, trách sao được anh em?
Đáng lẽ ra nên có một cái phòng marketing hoạt động hiệu quả kêu gọi các nhà tài trợ, các nguồn đầu tư để làm phim, để các anh em nghệ sĩ được làm việc, được sáng tạo.
Hãy giao việc cho chúng tôi đi, đến lúc không làm hoặc làm không ra gì thì mới nói. Còn chúng tôi đang ngồi chờ việc, không có việc cơ mà.
Còn ở thời điểm này thì tất nhiên phải chờ cổ phần hóa minh bạch xong hết đã, còn bây giờ ông ấy có đưa phim chắc chắn chúng tôi cũng không làm. Vì đó chỉ là một củ cà rốt thôi.
- Trong một cuộc họp công khai, ông Thủy Nguyên cũng gợi ý các nghệ sĩ về các vùng quê làm phim dòng họ, ma chay hiếu hỉ...
Đó chính là tư duy của người đang lãnh đạo chúng tôi đấy. Ông chủ của một đơn vị nghệ thuật, của một hãng phim lớn như thế này.
Không phải tự vỗ ngực đâu nhưng ít nhất bọn tôi được đào tạo bài bản, được trải nghiệm, được làm rất nhiều phim không phải để đi quay đám ma đám cưới.
Việc đó không cần chúng tôi, mà một người thợ quay phim chỉ cần học 3 tháng cầm máy quay đi là xong. Có thể họ còn làm tốt hơn cả bọn tôi, vì họ lành nghề hơn.
Tôi không cho rằng cái câu nói đó của ông Nguyên là một sự xúc phạm. Mà nó nằm trong tư duy của ông ta về phim ảnh. Ông ta nghĩ như thế là phim ảnh, là tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ, và định hướng chiến lực của ông ta là như thế. Quá kì cục. Ông ta càng nói càng lộ rõ phông văn hóa của ông ta.
- Kế hoạch tiếp theo của các nghệ sĩ là gì, thưa anh?
Nghệ sĩ không có tiền, chỉ có cách làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền. Chúng tôi trông chờ vào sự sáng suốt của các cấp lãnh đạo, nhìn thấy vấn đề đó.
Thứ 2 là nhờ báo chí công luận sát cánh với các anh em nghệ sĩ để bảo vệ Hãng phim. Chúng tôi chọn cách đấu tranh bằng lý lẽ, bằng những sai phạm chứ văng tục chửi bậy thì chúng tôi thua ông ấy rồi.
Mà nếu như không phải vì quá bức xúc chúng tôi mới chọn cách đấu tranh. Chứ đáng ra chúng lên báo nói vè phim ảnh, nói về những cái mình làm nó xứng đáng hơn biết bao nhiêu.